09:04 14/07/2010

Giá cà phê sẽ “giảm nhiệt”?

Y Nhung

Giá cà phê thế giới sẽ khó tăng thêm do các nước sắp bước vào vụ thu hoạch mới

Sáu tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Sáu tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê trên thế giới gần đây tăng mạnh đã kéo theo giá thu mua trong nước tăng mạnh, tuy nhiên mấy ngày qua đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Số liệu của Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, gần đây giá cà phê trên thị trường thế giới liên tục tăng ở mức khá mạnh. Trên thị trường London giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 9/2010 đã tăng lên 1.573 USD/tấn, tăng 18% so với đầu tháng 6/2010, tăng 16% so đầu năm nay và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của ngành cà phê, nguyên chủ tịch Hiệp hôi Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), lý do khiến giá cà phê tăng mạnh là do sản lượng cà phê Arabica của Brazil và các nước Mỹ Latinh sụt giảm mạnh so với dự báo trước đó, vì thời tiết thay đổi và sâu bệnh phát triển.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước tính, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2009/2010 chỉ đạt khoảng 120,6 triệu bao (loại 60 kg), thấp hơn so với dự tính 122 triệu bao đưa ra hồi tháng 4.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê cao hơn nhiều so với sản lượng. Theo ICO, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm nay ước vào khoảng 134 triệu bao. Như vậy, lượng cà phê thiếu hụt có thể lên đến 14 triệu bao.  

Lượng dự trữ trong kho của các nhà chế biến cà phê trên thế giới cũng đã sụt giảm mạnh không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến họ phải chuyển sang nhập khẩu cà phê Robusta (loại cà phê được trồng chủ yếu ở Việt Nam). Kéo theo điều này, ở trong nước, giá cà phê gần đây đã được thu mua ở mức 28.200- 29.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mấy ngày qua giá thu mua đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, hiện chỉ khoảng 28.000 đồng/kg.

Do vậy, ông Nhạn cho rằng, giá cà phê tăng chủ yếu là vì cả thế giới đang trong thời kỳ giáp hạt, lượng tồn kho thấp. Còn việc một số nước như Việt Nam đang thực thực hiện mua tích trữ để hạn chế bán ra chỉ tác động nhẹ.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, sự khan hiếm cà phê sẽ giảm nhiệt và giá cà phê cũng khó tăng thêm nhiều, khi các nước bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới của niên vụ 2010/2011 (vào tháng 9 tới), với sản lượng được dự báo sẽ tăng mạnh.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng nhận định, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2010/2011 sẽ đạt mức cao kỷ lục, từ 135 – 140 triệu bao, tăng 11% so với niên vụ trước và tăng 3,4% so với niên vụ 2008/2009. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica đạt 86 triệu bao và Robusta đạt 54 triệu bao, tăng lần lượt 14,4% và 6,4% so với niên vụ trước. So với niên vụ 2008/2009 mức tăng là 3% và 3,8%.

Nguyên nhân chủ yếu khiến lượng cà phê toàn cầu hồi phục mạnh do sản lượng cà phê Arabica của Brazil và Colombia sẽ tăng mạnh (bởi chu kỳ hai năm sản lượng tăng mạnh một lần của loại cà phê này). Bên cạnh đó, sản lượng cà phê Robusta của Indonesia dự báo cũng tăng trên 5% so với vụ trước đó.

Theo đó, sản lượng cà phê của Brazil niên vụ 2010/2011 đạt 55,3 triệu tấn, tăng 23% so với niên vụ 2009/2010; Columbia đạt 9 triệu bao, tăng 9% so với vụ 2009/2010.

Về nhu cầu tiêu thụ, USDA dự báo niên vụ 2010/2011 tiêu thụ cà phê toàn cầu là 131,5 triệu bao, tăng 2,2 % so với niên vụ trước. Trong đó, mức tiêu thụ cà phê từ châu Âu tăng mạnh, lên 46 triệu bao, tăng 1,4% so với niên vụ 2009/2010; Mỹ là 23,7 triệu bao, tăng 1,6%; Brazil là 19,5 triệu bao, tăng 4%; Việt Nam tăng  khoảng 13%, với 1,17 triệu bao.

“Giá cả sẽ phản ánh cung cầu trên thị trường. Thời gian tới giá cà phê trên thị trường thế giới sẽ có sự điều chỉnh, nhưng cũng chỉ dao động quanh mức 1.500 USD/tấn, chứ không thể quay lại mức kỷ lục 3.000 USD/tấn của những năm 1997/1998”, chuyên gia Đoàn Triệu Nhạn nói.