Giá dầu giảm bất chấp căng thẳng Trung Đông
Sự sụt giảm của giá dầu cho thấy những bất ổn tại khu vực Trung Đông không còn có thể đẩy giá dầu tăng bền vững
Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, giá dầu tiếp tục giảm bất chấp những căng thẳng chính trị tại Trung Đông. Điều này cho thấy yếu tố nguồn cung đang tác động mạnh nhất đến thị trường dầu hiện nay, theo nhận định được đưa ra trên Wall Street Journal.
Giá dầu biến động mạnh trong phiên hôm qua. Vào đầu phiên, giá dầu tăng mạnh bởi thông tin Saudi Arabia cũng như nhiều nước khác thuộc khu vực Trung Đông vốn là đồng minh của Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ xử tử một giáo sĩ dòng Shiite.
Tuy nhiên sau đó, khi thông tin về nguồn cung dầu dư thừa được công bố, giá dầu giảm trở lại và chốt phiên giảm nhẹ so với phiên cuối cùng của năm trước.
Cơ quan Năng lượng Mỹ công bố sản lượng dầu 9 tháng đầu năm 2015 cao hơn dự báo của giới chuyên gia.
Ngoài ra, công ty dữ liệu năng lượng Genscape thông báo với khách hàng sản lượng dầu tại Cushing, Okla tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần vừa qua. Công ty còn cho rằng nhiều khả năng kho dầu tại Cushing, địa điểm trung chuyển dầu Nymex, sẽ sớm hết chỗ chứa.
Ngoài ra, công ty dữ liệu năng lượng Genscape thông báo với khách hàng sản lượng dầu tại Cushing, Okla tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần vừa qua. Công ty còn cho rằng nhiều khả năng kho dầu tại Cushing, địa điểm trung chuyển dầu Nymex, sẽ sớm hết chỗ chứa.
Theo Wall Street Journal, sự sụt giảm của giá dầu trong phiên này cho thấy những bất ổn tại khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới không còn có thể đẩy giá dầu tăng bền vững ở thời điểm dự trữ dầu của thế giới đã dư thừa ở mức cao kỷ lục.
Saudi Arabia và Iran là 2 nước sản xuất dầu lớn nhất thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực giảm sản lượng để cứu giá dầu nào trong thời gian tới.
Saudi Arabia sản xuất trung bình 10,2 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 11, mức này tương đương 11% sản lượng dầu của toàn cầu. Trong khi đó Iran cung ra thị trường 2,9 triệu thùng dầu/ngày.
Trong năm tới, khi chính phủ nhiều nước phương Tây giỡ bỏ cấm vận với Iran, nước này sẽ tiếp tục bán thêm nhiều dầu ra thị trường. Những căng thẳng trong quan hệ với Saudi Arabia sẽ khiến Iran muốn sản xuất thêm dầu để cạnh tranh.
Thông tin bi quan về sản xuất Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu trong phiên hôm qua. Chính phủ Trung Quốc công bố sản xuất của nước này sụt giảm đến tháng thứ 10 liên tiếp, như vậy nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp.
“Chúng ta đang ngập trong dầu. Cả thế giới nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc để dự báo xem nhu cầu dầu của nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới sẽ diễn biến ra sao. Cho đến nay, chưa có yếu tố nào cho thấy nó sẽ cải thiện”, ông Adam Wise, giám đốc điều hành quỹ John Hancock Financial Services, dự báo.
Không ít chuyên gia khác còn cho rằng căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran có thể khiến giá dầu giảm sâu hơn trong thời gian tới bởi hai nước sẽ chạy đua tăng sản lượng để giành thị phần lớn hơn và vì vậy giá dầu sẽ giảm.
Chốt phiên ngày thứ Hai, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên thị trường New York giảm 28 cent, tương đương 0,8% xuống mức 36,76USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 6 cent tương đương 0,2% xuống 37,22USD/thùng trên thị trường London.