08:58 29/01/2016

Giá dầu tăng mạnh vì dự báo các nước lớn nhượng bộ

Đan Nguyên

Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu tăng bởi đồn đoán Nga và OPEP sẽ hợp tác giảm sản lượng

Năm 2015, Nga sản xuất 11,1 triệu thùng dầu/ngày, còn Saudi Arabia bán ra thị trường mỗi ngày 10,1 triệu thùng dầu - Ảnh: CNBC.
Năm 2015, Nga sản xuất 11,1 triệu thùng dầu/ngày, còn Saudi Arabia bán ra thị trường mỗi ngày 10,1 triệu thùng dầu - Ảnh: CNBC.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu tăng bởi đồn đoán Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hợp tác giảm sản lượng, theo tin từ Wall Street Journal.

Hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết các nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới sẽ có thể cùng họp bàn về giảm sản lượng trong buổi họp vào tháng 2.

Thông tin này được truyền thông Nga loan báo ở thời điểm giữa phiên giao dịch dầu ngày hôm qua, lập tức giá dầu tăng đến 7%. 

Tuy nhiên sau đó một quan chức cấp cao thuộc OPEC khẳng định rằng sẽ không có buổi họp khẩn cấp nào như phía Nga nói mà chỉ có việc Algeria và Venezuela, hai nước xuất khẩu dầu nhỏ thuộc OPEC, đề nghị giảm sản lượng. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong OPEC, vẫn im lặng.

Trong tuần trước, giá dầu đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất trong 12 năm bởi thêm nhiều thông tin công bố cho thấy sản xuất dầu trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao trong khi triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn không mấy sáng sủa.

Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 tăng 92 cent tương đương 2,8% lên mức 33,22 USD/thùng và như vậy giá dầu WTI chốt phiên ở mức cao nhất tính từ ngày 7/1/2016.

Thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 79 cent, tức 2,4%, lên mức 33,89 USD/thùng.

Năm 2014, khi thị trường dầu trên thế giới đã trong tình trạng thừa cung, Mỹ lại khiến cho nó tồi tệ hơn bằng cách bán thêm nhiều dầu ra thị trường. Đáp lại, các nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới cũng nhất định không chịu giảm sản lượng.

Tình trạng này đã kéo dài suốt 2 năm qua và làm cho giá dầu không ngừng lập đáy mới.

Năm 2015, để giành thêm thị phần, Saudi Arabia và Nga thậm chí còn nâng sản lượng dầu, những động thái đó càng khiến tình trạng dư cung trở nên tồi tệ hơn. 

Cuộc chạy đua giá dầu đã khiến những nước có nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào dầu chịu tác động nặng nề. Đồng tiền của nhóm nước này không ngừng suy yếu, ngân sách thâm hụt nghiêm trọng buộc nhiều quốc gia phải giảm chi tiêu và sử dụng đến dự trữ ngoại tệ.

Không chịu được tác động tiêu cực, chính phủ nhiều nước bao gồm Venezuela và Nigeria đã nhiều tháng đề nghị giảm sản lượng. 

Saudi Arabia và các nước đồng minh khẳng định họ sẽ chỉ giảm sản lượng nếu Nga, Iraq và Iran đồng ý làm tương tự. Trong tuần này, Iraq đã tuyên bố sẽ nhượng bộ nếu các nước khác làm tương tự.

Năm 2015, Nga sản xuất 11,1 triệu thùng dầu/ngày, còn Saudi Arabia bán ra thị trường mỗi ngày 10,1 triệu thùng dầu, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Vậy nếu mỗi nước giảm sản lượng chỉ 5%, tương đương với hơn 1 triệu thùng dầu/ngày, tình trạng thừa cung trên thị trường dầu sẽ được giải quyết gần như triệt để.

Một quan chức cấp cao thuộc OPEC và được cho là rất hiểu Saudi Arabia cho biết hiện Saudi Arabia cũng đang tính đến khả năng sẽ giảm sản lượng khi có sự hợp tác từ một số nước khác.