Giá phân hóa mạnh, động lực nào còn lại cho cổ phiếu ngân hàng?
Cổ phiếu một số ngân hàng nhỏ và chất lượng tài sản lẫn tín dụng yếu đang có mức tăng nóng mà không có cơ sở vững chắc nào là do tăng theo “sóng ngành” và không loại trừ yếu tố có “đội lái” đưa các mã này "ăn theo sóng"...
Sau quãng thời gian tăng nóng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu phân hoá, không còn đồng lòng cùng tăng. Khi “con sóng ngành” không còn đủ sức nâng đỡ thì đâu sẽ là động lực bứt phá cho từng cổ phiếu ngân hàng?
TÀI SẢN CÁC ÔNG CHỦ NGÂN HÀNG TĂNG VỌT
Sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng theo các công ty chứng khoán đánh giá chủ yếu đến từ yếu tố cơ bản như ngành xương sống của kinh tế, hoạt động ổn định dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kinh doanh quý 1/2021 tăng trưởng 75 – 80%, chất lượng tài sản dần cải thiện, kế hoạch kinh doanh khả quan…
Với sự hấp dẫn đó, chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng 34,4% từ đầu năm. Đặc biệt, trong tháng 5, thị trường có 27 ngân hàng niêm yết thì giá của 27 mã cổ phiếu tương ứng đều tăng, tức chỉ cần mua cổ ngân hàng là thắng.
Mức tăng khủng của nhóm này đã đẩy thị giá cổ phiếu ngân hàng lên một vùng giá mới, dẫn dắt cả thị trường chứng khoán. Đặc biệt, tài sản của một số cá nhân trên sàn chứng khoán theo đó cũng tăng lên chóng mặt.
Nổi bật nhất phải nhắc đến ông Nguyễn Đức Thụy, nhờ sở hữu cổ phiếu LPB và THD (tăng trên 37% trong tháng 5) đã đưa doanh nhân này lọt top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Cũng liên quan đến LPB nhưng thêm cả STB (tăng 90% so với đầu năm), ông Dương Công Minh hiện trực tiếp sở hữu 62,5 triệu cổ phiếu STB, và đại diện cho Him Lam sở hữu tới 96,7 triệu cổ phiếu LPB. Ngoài ra, em gái ông Minh cũng đang sở hữu hơn 13 triệu cổ phiếu LPB. Ước tính khối tài sản của ông Dương Công Minh từ cổ phiếu LPB và STB đang có giá trị hơn 5.000 tỷ đồng.
Tương tự, tại ngày 1/6, VPB có giá 69.300 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Với mức giá này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank đang nắm hơn 121,7 triệu cổ phiếu VPB, tương đương giá trị hiện khoảng gần 8.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người thân của ông Dũng cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu như vợ ông Dũng có hơn 121 triệu cổ phiếu, mẹ ông Dũng hơn 120,7 triệu cổ phiếu và con gái có 4 triệu cổ phiếu. Theo đó, giá trị số cổ phiếu VPB của Chủ tịch VPBank và người nhà đã vượt 1 tỷ USD.
Hay như ông Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank hiện nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB. Trong khi đó vợ và mẹ ông mỗi người nắm giữ hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, con trai ông Hùng Anh là Hồ Anh Minh cũng sở hữu gần 138 triệu cổ phiếu, em dâu ông Hùng Anh là Nguyễn Hương Liên (vợ của em trai ông Hùng Anh là Hồ Anh Ngọc) nắm giữ hơn 69 triệu cổ phiếu. Theo đó, khối cổ phiếu TCB mà ông Hùng Anh và người nhà sở hữu hiện có giá trị tới hơn 32.000 tỷ đồng.
Thậm chí, dù cổ phiếu VJC liên tụt sụt giảm nhưng nhờ có HDB mà tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HDBank vẫn có thể gia tăng nhờ, đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
CỔ PHIẾU ĐIỀU CHỈNH DO TĂNG NÓNG
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang ở mức đỉnh của đỉnh. Một số ngân hàng nhỏ và chất lượng tài sản lẫn tín dụng yếu đang có mức tăng nóng mà không có cơ sở vững chắc nào là do tăng theo “sóng ngành” và không loại trừ yếu tố có “đội lái” đưa các ngân hàng này "ăn theo sóng".
“Nếu nhà đầu tư quan sát thị trường thời gian dài, sẽ dễ dàng nhận thấy, một số cổ phiếu ngân hàng được đẩy tăng giá rất "lộ liễu", khi các lệnh khớp trần đột ngột với khối lượng cao”, ông Khánh nhận định.
Việc tăng nóng đồng nghĩa bất kỳ lúc nào cũng có nguy cơ bị chốt lời. Điều khiến giá nhóm này không giảm là do còn dòng tiền chảy vào rất mạnh. Tuy nhiên, thị trường không phải là riêng của cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền rồi sẽ phải luân chuyển sang nhóm ngành khác.
Thực tế, áp lực xả bùng phát ở cổ phiếu ngân hàng ngay sáng phiên đầu tuần trước (7/6). Như hai mặt của đồng xu, dòng tiền đổ vào các mã này mạnh bao nhiêu thì thì bị chốt lời cũng dữ dội bấy nhiêu. Thậm chí bất chấp hiện tượng đơ cứng của HOSE, đã có nhiều mã rơi hẳn về mức giá sàn.
Sang phiên liền kề (8/6), cùng cơn lốc lệnh MP, nhóm cổ phiếu ngân hàng sụp đổ dữ dội hơn nữa. Hai mã LPB và STB đã xuất hiện dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Loạt blue-chips ngân hàng như VCB, TCB, MBB, HDB, CTG, ACB đồng loạt giảm trên 5%. Nhóm ngân hàng nhỏ cũng bốc hơi không kém.
Sau hai phiên trên, thị trường hồi phục. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dần phân hoá, không còn cùng tăng như trước. Đáng chú ý, những mã blue-chips giảm ít nhất thì lại có xu hướng hồi phục mạnh nhất. Điển hình là trường hợp của CTG khi có phiên tăng kịch trần, lợi nhuận T+3 lên tới gần 8%. Trái lại có nhiều mã đi ngược thị trường, vẫn giữ trạng thái giảm giá.
VẪN CÒN ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG?
Khi được hỏi, liệu cổ phiếu nhóm ngân hàng tiếp tục là cổ phiếu vua, tiếp tục dẫn dắt thị trường không, ông Khánh trả lời điều đó là khó xảy ra. “Bởi nhóm này đã dẫn dắt trong một chu kỳ quá dài rồi. Chỉ một số ít cổ phiếu còn dư địa tăng theo chất lượng thực sự của ngân hàng, còn lại sóng sẽ đi xuống”, ông Khánh nói.
Hiểu đơn giản, khi sóng ngành không còn đủ sức nâng đỡ từng cổ phiếu thì những câu chuyện riêng, những yếu tố nội tại sẽ là động lực để mỗi cổ phiếu ngân hàng tự bứt phá.
Trong đó câu chuyện riêng có thể kể đến như CTG chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong quý 3-4/2021. Tương tự, BAB và OCB cũng được Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức lần lượt lên mức 7.531 tỷ đồng và 13.6898 tỷ đồng.
Còn tại ACB, ngân hàng chốt danh sách cổ đông tại ngày 11/6/2021 để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ. Số cổ phiếu phát hành dự kiến là hơn 540 tỷ đồng, tức tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.400 tỷ lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Một ví dụ khác là trường hợp cổ phiếu LPB. Đến ngày bắt đầu thực hiện giao dịch của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Phó Chủ tịch LienVietPostBank cùng em trai là ông Nguyễn Xuân Thuỷ mua vào lượng cổ phiếu LPB lần lượt 32,54 triệu đơn vị và 1 triệu đơn vị thì LPB lập tức tăng kịch bên độ.
Với SHB còn đặc biệt hơn khi cổ phiếu này vừa được thêm vào rổ danh mục của chỉ số MSCI Frontier Market Index (chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF). Hiện tại, SHB là ngân hàng vốn hóa lớn duy nhất còn trống room ngoại.
Ngoài ra, SHB cho biết ngân hàng đã lựa chọn được 2 -3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn tại SHB FC. SHB cũng đặt mục tiêu chuyển nhượng vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, động lực để thị giá cổ phiếu SHB tăng còn có thể kể đến như việc được chấp thuận chuyển sang giao dịch tại sàn HOSE; tăng vốn điều lệ qua chia cổ tức năm 2020 và chào bán cho cổ đông hiện hữu; chất lượng tín dụng tăng tốt; sắp tất toán trước hạn nợ tại VAMC…
Hay như ở góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu SHB vẫn đang ở xu hướng tăng giá và theo lý thuyết sóng Elliot thì đang nằm ở sóng III trên đồ thị tuần. Có thể hiện tại SHB đang bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (sóng IV) trước khi bước vào nhịp tăng giá tiếp theo (sóng V) trung hạn hướng tới vùng giá mục tiêu khoảng 36.500 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, giới chuyên môn cho rằng ngân hàng vẫn là nhóm được đánh giá còn nhiều triển vọng nhờ các đợt tăng vốn. Bên cạnh đó, theo Công ty Chứng khoán BSC, một số ngân hàng có thể lên kế hoạch bán vốn cho nước ngoài trong thời gian tới như VCB, BID, HDB, VPB,…
Trong khi, thị trường đang tiếp tục được thúc đẩy bởi dòng vốn nội, đặc biệt khi hoạt động kinh doanh tiếp tục bị đình trệ bởi Covid-19. Vòng quay tiền chưa có dấu hiệu nhích tăng sẽ khiến dòng tiền chững lại ở các kênh đầu cơ, tạo cơ hội cho cổ phiếu các nhóm ngành ngân hàng tiếp tục tăng giá trong giai đoạn tới.
Quỹ Dragon Capital nhận định: “Dù đã tăng liên tục trong những tháng gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có định giá vẫn khá rẻ so với các thị trường trong khu vực, nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận vượt trội. Năm 2022 có khả năng đà tăng trưởng sẽ chậm lại, tuy vậy định giá nhóm ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn”.