Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước tái lập mốc 69 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới giữ đà tăng do nhu cầu phong ngừa rủi ro và lạm phát, đưa giá vàng miếng trong nước sáng nay (25/3) tái lập mốc 69 triệu đồng/lượng...
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,05 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp nay hiện tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,4 triệu đồng/lượng và 56,35 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,45 triệu đồng/lượng và 69,15 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 14,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Chênh lệch giá vàng miếng với thế giới liên tục rút ngắn trong những ngày gần đây do giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với giá quốc tế.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.964,7 USD/oz, tăng 6,8 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 54,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 600.000 đồng/lượng.
Trong vòng 2 ngày, giá vàng thế giới quy đổi đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng miếng tăng khoảng 500.000-600.000 đồng/lượng.
Trong phiên ngày thứ Năm tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 12,9 USD/oz, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 1.957,9 USD/oz.
Giá vàng đang ở vùng cao nhất trong 1 tuần nhờ nhu cầu nắm giữ kim loại quý của giới đầu tư để phòng ngừa rủi ro do chiến tranh Nga-Ukraine và chống lạm phát.
“Áp lực lạm phát rất mạnh tiếp tục là nhân tố nền tảng chính hỗ trợ cho giá vàng. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như cuộc chiến tranh ở Ukraine”, Giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, ông David Meger, nhận định trên CNBC.
Hôm 16/3, Cục Dự tữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu đợt nâng lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này kể từ năm 2018. Sau đó, các quan chức Fed tiếp tục phát tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn nữa trong năm nay để chống lại sự leo thang của lạm phát.
“Ngay cả ý tưởng về một môi trường lãi suất tăng cao sẽ gây trở ngại cho giá vàng cũng không đủ để chống lại những yếu tố đang hỗ trợ cho giá vàng, đặc biệt là lạm phát. Chúng tôi tin rằng Fed vẫn đang chậm so với lạm phát”, ông Meger nói.
Vàng là kênh đầu tư không mang lãi suất nên thường giảm giá trong môi trường lãi suất tăng. Tuy nhiên, chiến tranh ở Ukraine và lạm phát tăng cao trên toàn cầu đang tạo ra một lực đỡ quan trọng cho giá vàng trước sức ép giảm giá từ lãi suất.
Vào hôm thứ Tư tuần này, khối lượng vàng mà quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Với lực mua của các quỹ ETF, “vàng có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nếu rủi ro xuất hiện tình trạng ‘stagflation’ – lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng kinh tế trì trệ - gia tăng trong ngắn hạn”, nhà phân tích Han Tan Exinity nhận định.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh ngưỡng 98,6 điểm, giảm so với mức 98,8 điểm vào sáng qua.
Giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 23.330 đồng (mua vào) và 23.390 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua. Trong vòng 3 ngày tính đến hôm qua, giá USD tự do đã giảm tổng cộng 90 đồng.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.730 đồng và 23.010 đồng, giảm 5 đồng ở cả hai đầu giá.