17:55 22/12/2020

Giải bài toán doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị

Nhóm phóng viên

Nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố chính, hỗ trợ của địa phương rất quan trọng, đồng thời, định hướng của Nhà nước mang tính quyết định

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay, mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. 

Để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp Việt Nam, các ý kiến cho rằng, nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố chính, hỗ trợ của địa phương rất quan trọng, đồng thời, định hướng của Nhà nước mang tính quyết định. Đặc biệt, các tổ chức, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có vai trò lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm, bước chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu...

HỖ TRỢ CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ 

Ông Vũ Văn Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Meeco Việt Nam

Là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyên cung cấp khuôn mẫu, linh kiện cơ khí phục vụ lắp ráp điện tử, ô tô, xe máy, xây dựng... cho các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Giải bài toán doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Meeco Việt Nam

Khó khăn đầu tiên là về quy mô. Quy mô ảnh hưởng tới giá thành, nếu chọn phân khúc không phù hợp với năng lực của mình sẽ khó cạnh tranh về giá. Đơn cử như sản xuất đơn hàng lớn, sản xuất hàng loạt thì các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều lợi thế, khi đó doanh nghiệp Việt sẽ thua về giá. Nên doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi hoặc nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chọn thị trường ngách, những sản phẩm có tính tuỳ biến cao, may đo theo nhu cầu của khách hàng, sản phẩm đòi hỏi độ tinh xảo, độ khó cao hơn, khả năng đáp ứng tại chỗ, khi ấy mình có lợi thế.

Bên cạnh đó, hạ tầng nhà xưởng lắp đặt dây chuyền thiết bị khiến doanh nghiệp đang lúng túng chưa giải quyết được. Muốn có nhà xưởng bài bản quy mô 1-2 ha trong khu công nghiệp là thách thức rất lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thuê nhà xưởng với chi phí khá cao, tính ổn định thấp ở các khu công nghiệp. Chính sách hỗ trợ về hạ tầng như thuê đất với ưu đãi... thực sự doanh nghiệp chưa biết đến cũng như chưa được tiếp cận với chính sách này. 

Mặt khác, trong ngắn hạn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi kết nối. Hiện nay các cơ quan Nhà nước đang xắn tay vào hỗ trợ kết nối nhưng còn có sự chồng chéo, bộ ngành, hiệp hội. Nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhưng các chương trình cũng na ná nhau. Tôi cho rằng, phương thức hỗ trợ cần thay đổi, để tiết kiệm nguồn lực hơn, sàng lọc hơn, phân loại cụ thể, khi đó thông tin kết nối đúng yêu cầu của doanh nghiệp hơn.

Về tín dụng, công nghiệp hỗ trợ rất cần được đầu tư bài bản, dài hạn cả về tài sản cố định hữu hình lẫn vô hình (như đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phần mềm quản trị doanh nghiệp... chi phí rất tốn kém). MEECO đã nhận được sự hỗ trợ tương đối tốt từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho vốn đầu tư vào thiết bị. Tuy nhiên, chính sách về hỗ trợ vốn lưu động, tài sản vô hình vẫn chưa được đề cập, chưa được chú trọng. 

Ngoài ra, cần có một quy hoạch chính sách sao cho doanh nghiệp có được một bức tranh tổng thể hơn về tất cả những sự hỗ trợ từ các bộ, ngành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng doanh nghiệp rơi vào cảnh "thầy bói xem voi", tức là thông tin không đầy đủ. Hiện nay tình trạng mỗi bộ ngành, địa phương có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng có nhiều nội dung chồng lấn nhau, nên việc DN lựa chọn cái nào cho phù hợp với họ là khó khăn. 

Đặc biệt, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực. Đánh giá của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), máy móc của doanh nghiệp Việt Nam không quá lạc hậu, tài chính của doanh nghiệp không quá thiếu nhưng bị đánh giá thấp ở tiêu chuẩn, quy trình, tư duy. Nếu sản xuất mẫu thì doanh nghiệp làm rất tốt nhưng khi sản xuất hàng vạn sản phẩm lại không đạt. Đây chính là mấu chốt ở con người và quy trình không được tuân thủ, ca này với ca sau khác nhau. Do đó, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cần được nâng lên.

LIÊN KẾT THEO MÔ HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG KHÉP KÍN 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đã thực hiện tốt việc ngăn chặn đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Ngành dệt may cũng đang dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn chuẩn bị cho phục hồi. Tuy nhiên, do dệt may Việt Nam xuất khẩu là chính, nên khi thế giới còn chưa kiểm soát được đại dịch Covid-19, thì chúng ta không thể "một mình một sân chơi".

Trước thách thức duy trì và phát triển ổn định trong khủng hoảng, việc liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là xu hướng của các nhà mua hàng lớn tại Mỹ, Nhật và các nước châu Âu: chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói, thay vì đặt hàng theo phương thức gia công để rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm mới, rút ngắn được thời gian thực hiện đơn hàng, đồng nghĩa với doanh nghiệp sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh.

Giải bài toán doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

Do đó, trước mắt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động trong chuỗi cung ứng, có như vậy mới có khả năng cạnh tranh để vươn lên tham gia vào công đoạn thứ hai trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu – sản xuất nguyên liệu đầu vào. Như vậy, sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm ở công đoạn sau của ngành dệt may Việt Nam, mà trực tiếp là khâu dệt nhuộm. Yêu cầu đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam là cần phải làm mới công đoạn nguyên liệu đầu vào của chuỗi cung ứng, hoặc đầu tư nâng cấp chuỗi cung ứng để rút ngắn chu kỳ đặt hàng, chủ động trong công đoạn cắt may sản phẩm.

Trong gần 40 tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành, thì có tới 60% giá trị là nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, bởi vậy giá trị thặng dư không đạt được như kỳ vọng. Để phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành dệt may. Riêng với Hiệp định EVFTA, để được hưởng ưu đãi thuế quan, nguyên liệu vải sẽ phải được sản xuất trong nước. 

Như vậy, việc tạo liên kết chuỗi giá trị dệt may, nắm giữ các khâu trong phân khúc sản xuất nguyên phụ liệu sẽ là chiến lược dài hạn để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng may mặc. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc vào trình độ công nghệ, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, khả năng tài chính, các quan hệ liên kết kinh tế khu vực và thế giới. Đối với các doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải, cần xây dựng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may có cơ sở vật chất hạ tầng đủ điều kiện cung cấp điện, nước, xử ký nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo quy định...

Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra một điều, rằng ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài, đó là các bên trung gian, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu. Cuộc chơi này chúng ta tham gia, nhưng chưa thể nắm hoàn toàn trong tay. Để xoay chuyển cục diện, không còn cách nào khác là chúng ta cần liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cam kết là "người se duyên" cho các doanh nghiệp trong các khu vực sợi – dệt – nhuộm – may liên kết với nhau. Như một bó đũa, chúng ta sẽ không thể bị bẻ gãy, và nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội.

SỐ LƯỢNG DOANH NGHIỆP CUNG ỨNG CỦA SAMSUNG TĂNG MẠNH 

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Với cam kết phát triển đồng thịnh vượng với Việt Nam, Samsung không chỉ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của mình, mà chúng tôi còn hỗ trợ sự phát triển chung cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Nếu so với chỉ có 4 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 vào năm 2014, thì số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2019 là 42 doanh nghiệp, dự kiến sẽ là 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Đó là kết quả của quá trình nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất của mình. 

Cụ thể, Samsung đã và đang liên tục triển khai các hoạt động thiết thực, đó là: hội thảo triển lãm công nghiệp hỗ trợ được tổ chức thường niên cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)...  để tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Giải bài toán doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị - Ảnh 3.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Hay như tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp do các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn từ năm 2015. Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng, không nhất thiết chỉ là các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng của Samsung. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tư vấn và đào tạo cho 260 doanh nghiệp và đạt nhiều kết quả tốt như: năng suất tăng trung bình tăng 30%, thậm chí có doanh nghiệp tăng đến 90%.

Hoặc năm 2018 và 2019, với sự hợp tác của Bộ Công Thương, chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sản xuất, chất lượng đã đạt được thành quả đáng kể với việc bồi dưỡng 207 chuyên gia Việt Nam một cách rất bài bản và có hệ thống. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc hơn của hoạt động đào tạo này chính là việc những chuyên gia sau quá trình đào tạo đã trở thành những người tiên phong trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động cải tiến khác tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Đặc biệt, mới đây nhất, Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ đào tạo 200 kỹ thuật viên về lĩnh vực khuôn mẫu trong 4 năm (từ năm 2020 đến 2023) nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tự chủ về khuôn mẫu cho các ngành sản xuất cơ bản của Việt Nam.

Tôi mong rằng, thông qua những chương trình đào tạo đa dạng như thế này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam có thể tiến gần thêm một bước trong hành trình chinh phục các tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó giành được nhiều hơn những cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI hàng đầu thế giới.

BA THÁCH THỨC CHO CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Ông Bùi Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nhựa Hà Nội, Tập đoàn An Phát Holdings

An Phát Holdings (APH) là Tập đoàn nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu Đông Nam Á. Giai đoạn cuối 2018 – 2019, chúng tôi đã mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính quyền Trung ương và địa phương và các đối tác chiến lược, các công ty thành viên thuộc tập đoàn đã tích cực triển khai nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế tạo khuôn mẫu, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Từ đầu năm 2019, An Trung Industries, chính thức trở thành nhà cung ứng linh kiện nhựa điện thoại cho Samsung. Tháng 9/2020, Công ty TNHH MTV cơ khí chính xác và khuôn mẫu Việt Nam (VMC) - là công ty Việt Nam đầu tiên tăng được 2 bậc cải thiện về năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng trong chương trình tư vấn cải tiến do Samsung phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đặc biệt, chúng tôi sở hữu CTCP nhựa Hà Nội – doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nhựa công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam với gần 50 năm kinh nghiệm sản xuất và cung ứng các sản phẩm linh kiện nhựa kỹ thuật cao. Hiện tại, Nhựa Hà Nội đang là đối tác chiến lược của các Tập đoàn lớn như: Honda, Toyota, Samsung, Panasonic, LG... Hiện tại, APH cũng được Bộ Công Thương, chính quyền tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam chọn là doanh nghiệp đầu tàu để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Hải Dương. 

Giải bài toán doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị - Ảnh 4.

Ông Bùi Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nhựa Hà Nội, Tập đoàn An Phát Holdings

Ngay từ đầu, APH đã xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực chủ chốt đóng góp vào sự phát triển của tập đoàn. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng tôi là một trong số ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sự đầu tư bài bản trong lĩnh vực này bằng việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, liên tục cập nhật công nghệ mới nhằm tăng hàm lượng chất xám, công nghệ trong từng sản phẩm. Song song với đó, chúng tôi cũng phối hợp với đối tác đầu tư để tổ chức các chương trình đào tạo nhằm bồi dưỡng kỹ năng, kỹ thuật công nghệ cho cán bộ công nhân viên. 

Bênh cạnh thuận lợi, chúng tôi nhận thấy những khó khăn của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Thứ nhất, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi đầu tư lớn từ khoa học công nghệ, hệ thống máy móc, khuôn mẫu đến con người, kỹ thuật để làm ra những sản phẩm có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Vì vậy, thời gian thu hồi vốn lâu, đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì, nhẫn nại và thực sự có mong muốn gắn bó với lĩnh vực này. 

Thứ hai, chúng ta đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia trong khu vực Thái Lan hay Indonesia, Malaysia... vốn đã có kinh nghiệm và lịch sử lâu đời phát triển trong lĩnh vực này. 

Thứ ba là khan hiếm nguồn lao động có trình độ tay nghề cao. Nguồn lao động, kỹ sư được đào tạo bài bản đáp ứng được công nghệ mới rất hạn hẹp. Hầu hết được đào tạo tại nước ngoài hay làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia được đào tạo tại đó. Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lao động này hết sức khó khăn. 

Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền Trung ương và địa phương trong việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

DÒNG VỐN FDI ĐANG DẦN DỊCH CHUYỂN TỚI CÁC TỈNH

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam

Có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng quan tâm của nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp, điển hình như Tây Ninh, Vĩnh Long... 

Đây có thể coi là một sự diễn tiến tự nhiên, do trên thực tế, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên; và ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đang dần trở nên khan hiếm. Một số công ty đang xem xét các tỉnh cấp 2 thay thế như Tây Ninh và Vĩnh Long. Khi các công ty này đầu tư vào những địa phương cấp 2, mặc dù ở xa khu trung tâm hơn, nhưng họ sẽ có cơ hội tăng quy mô nhà máy trong tương lai hoặc các nhà cung cấp của họ có thể kiếm được đất gần họ.

Giải bài toán doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị - Ảnh 5.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam

Bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, bất động sản công nghiệp của Việt Nam cũng đang nhận được nhiều lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, cũng như xu hướng dịch chuyển các nhà máy và vốn đầu từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý nhất là Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. 

Để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách. Ví dụ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp. Đồng thời, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.

Việt Nam có nhiều lợi thế là sự hấp dẫn về mặt địa lý, dân số lao động, chi phí đất đai, chi phí lao động, chi phí vận hành. Chính phủ Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều ưu đãi tại các khu vực kinh tế trên khắp cả nước. Để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, Chính phủ có thể lập kế hoạch tương lai đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển phát triển hơn, không chỉ bắt kịp Indonesia, Thái Lan và các nước khác trong Đông Nam Á mà còn cần vượt ra khỏi tiêu chuẩn chung.