Giải ngân vốn đầu tư công vượt cùng kỳ, sắp cán mốc 300.000 tỷ đồng sau 8 tháng
Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 trên toàn quốc tiếp tục tăng tốc, vượt xa cùng kỳ. Ước thanh toán từ đầu năm đến cuối tháng 8/2023 là 299.447,4 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao...
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8/2023 là 299.447,4 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 292.186,9 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch và đạt 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 7.260,5 tỷ đồng, đạt 25,95% kế hoạch.
GIẢI NGÂN ĐẠT TRÊN 42% KẾ HOẠCH CHÍNH PHỦ GIAO
Lũy kế thanh toán nguồn vốn các năm trước chuyển sang năm 2023 đến ngày 31/8/2023 là 20.538 tỷ đồng, đạt 37,53% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là 20.336,3 tỷ đồng, đạt 40,06% kế hoạch; vốn nước ngoài là 201,8 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch.
"Tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 cả nước tăng khá so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 39,15%). Trong đó, vốn trong nước đạt trên 43% (cùng kỳ năm 2022 đạt 40,87%), vốn nước ngoài đạt 25,95% (cùng kỳ năm 2022 đạt trên 14%)".
Bộ Tài chính.
Trong đó, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%.
Một số bộ, địa phương lọt top giải ngân đạt cao, đứng đầu cả nước có thể kể đến như: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), tỉnh Tiền Giang (62,12%), tỉnh Long An (66,18%) và tỉnh Đồng Tháp (66,94%).
Tuy nhiên, vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn. Trong đó có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng nêu rõ các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và các đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; định kỳ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các đoàn công tác.
Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn tồn tại một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm.
Theo đó, một số dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn nên chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn năm 2023. Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án.
Cùng với đó là các vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm vật tư đầu vào nên các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hiệp định hay thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian, chẳng hạn như dự án Kè bờ sông Cần Thơ về ứng phó biến đổi khí hậu và dự án Bệnh viện Ung bướu tỉnh Cần Thơ.
Cũng theo bộ này, một số dự án di tích hay thuộc lĩnh vực y tế chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu. Các dự án công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa đầy đủ...
KỊP THỜI ĐIỀU CHUYỂN VỐN SANG DỰ ÁN GIẢI NGÂN HIỆU QUẢ
Trước những khó khăn đang kéo chậm tiến độ giải ngân của cả nước, đồng thời thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 328/TB-VPCP ngày 15/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có hướng dẫn việc điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại khoản 5, Điều 4, Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội.
Từ đó, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 chưa phân bổ hết hoặc phân bổ nhưng không thể giải ngân hết.
Về phía các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công.
Các cơ quan cần chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân đảm bảo đúng quy định và theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng cần khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc danh mục dự án được giao theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023. Giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.