13:36 05/06/2023

Giải pháp căn cơ: Mở rộng đầu ra cho vải, nhãn

Song Hà

Nguồn cung quả nhãn, vải khá dồi dào, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn... đang đặt ra áp lực lớn về đầu ra khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế, đòi hỏi công tác xúc tiến cần được đẩy mạnh...

Tìm thị trường xuất khẩu cho quả nhãn
Tìm thị trường xuất khẩu cho quả nhãn

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong quý 2/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn.

PHÍA TRƯỚC NHIỀU THÁCH THỨC, TRỞ NGẠI

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu quả vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 đạt 27,4 triệu USD (giảm 42,3%). Đối với quả nhãn, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 23,318 triệu USD, năm 2022 đạt 13,893 triệu USD (giảm tới 40,4%).

Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, mở cửa trở lại. Việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.

Tại “Hội nghị xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn” ngày 31/5, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn ha; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền; trong đó, vải 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha. Hai loại trái cây này còn là đại diện tiêu biểu của ngành rau quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.

Sản phẩm vải tươi đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng quả nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu nhưng cũng đã bước đầu được xuất đi Nhật Bản và EU.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận định, bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng quả vải, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn.

Thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…

Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, vải, nhãn còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm cũng chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, nêu khó khăn, chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao, chưa triển khai công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển. Tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn diễn ra; năng lực trong việc tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; vải thiều vẫn chủ yếu được tiêu thụ, xuất khẩu quả vải tươi…

Với thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết đây là thị trường tiêu thụ trái cây rất lớn. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường tiềm năng này, còn có một số trở ngại.

Quả vải bắt đầu vào vụ thu hoạch
Quả vải bắt đầu vào vụ thu hoạch

Cụ thể như: khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài; chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc. Trong khi đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp.

THƯƠNG VỤ PHÁT HUY VAI TRÒ KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG

Năm 2023, để chung tay, góp sức cùng các địa phương xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tạo nên một niên vụ vải, nhãn thành công, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đưa ra một số giải pháp căn cơ.

Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài.

“Duy trì phát triển thị trường truyền thống là Trung Quốc không chỉ các vùng giáp biên giới mà tiếp cận các tỉnh/thành sâu trong nội địa còn nhiều dư địa để khai thác. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… cần có cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và thương hiệu”, Thứ trưởng Hải gợi ý.

Thứ hai, hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất. Theo đó, tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm quả vải, nhãn Việt Nam.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp căn cơ: Mở rộng đầu ra cho vải, nhãn - Ảnh 1