14:36 22/05/2010

Giải pháp nào cho những “yếu kém bền vững”?

Nguyên Bình

Nhiều lo lắng, băn khoăn của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách

Đại biểu Mã Điền Cư lo lắng về nguy cơ lạm phát cao- Ảnh: LQP.
Đại biểu Mã Điền Cư lo lắng về nguy cơ lạm phát cao- Ảnh: LQP.
Đọc lại báo cáo của Chính phủ mấy năm gần đây thì thấy có khá nhiều “yếu kém bền vững”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ, sáng 22/5.

Đánh giá cao kết quả ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, song đa số ý kiến đều bày tỏ sự lo lắng trước những tồn tại yếu kém, trong đó có những yếu kém kéo dài nhưng chậm được giải quyết.

Nhiều ý kiến “phê” Chính phủ nặng về chăm lo phát triển kinh tế nên có phần sao nhãng những vấn đề môi trường, xã hội… Cũng không ít vị đại biểu thắc mắc, Chính phủ đã họp nhiều lần về đề án tái cấu trúc kinh tế, nhưng kỳ họp này lại thấy im lặng…

ICOR, CPI và bội chi vẫn cao

Theo đại biểu Hùng, “yếu kém bền vững” là cách nói vui của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, song lại rất đúng trong thực tế. Đó chính là hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP), nhập siêu, bội chi ngày càng tăng. Cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 đã thâm hụt 8,8 tỷ USD là con số không thể không quan tâm...

Điều đáng suy nghĩ, theo vị đại biểu này là những yếu kém trên đã được chỉ ra nhiều năm liền nhưng vẫn cứ “bền vững” như vậy.

Ông Hùng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát thẳng vào lĩnh vực yếu kém này. Ví dụ nhập siêu tăng, nguyên nhân ở đâu, trách nhiệm chỗ nào?. Còn với Chính phủ, để giải quyết “yếu kém bền vững” thì có thể thành lập tổ công tác hay ủy ban chuyên trách, ví như ủy ban chống nhập siêu chẳng hạn, đại biểu Hùng đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng chỉ ra một số vấn đề chưa có lời giải cho thật căn cơ. Đó là tăng trưởng vốn nên đời sống không được cải thiện tương xứng. Đó còn là CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm nay có thể vượt chỉ tiêu kiềm chế dưới mức 7% mà Chính phủ đã đề ra...

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch cũng cho rằng, “năm nay có thể giải quyết những bất ổn ngắn hạn, nhưng những bất ổn trung, dài hạn vẫn chưa thể giải quyết”.

“Lâu nay chúng ta đang biện minh về việc nhập siêu. Chính phủ nói chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, không phải nhập khẩu tiêu dùng, nhưng để sản xuất một mặt hàng nào đó, chúng ta nhập khẩu bộ phận lớn nguyên liệu, vì vậy bản chất là nhập khẩu tiêu dùng", ông Lịch đánh giá.

Cũng theo vị đại biểu này, cân đối ngoại tệ cũng rất bấp bênh. Với một nền kinh tế thiên về gia công như hiện nay, chúng ta chỉ có thể ổn định vĩ mô thành công một cách nhất thời, không thể giải quyết các nguyên nhân sâu xa, trừ phi chúng ta phải tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Từ việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng đến việc ngư dân bị bắt giữ.... đều là mối lo ngại lớn, Chính phủ cần báo cáo rõ để Quốc hội có câu trả lời cho cử tri, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Hoàng Thám đề nghị.

Mạnh hay yếu cũng cần rõ địa chỉ

Một trong năm yếu kém được nêu ra tại báo cáo của Chính phủ là công tác quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức kinh doanh ngành nghề có điều kiện còn nhiều bất cập.

Vai trò chủ đạo và điều tiết thị trường của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nơi, có lúc làm chưa tốt, sử dụng vốn tài sản và đất đai còn lãng phí. Các hiệp hội doanh nghiệp chưa phát huy đầy đủ vai trò của mình trong việc hạn chế tình trạng ép giá thu mua, hạ giá xuất khẩu gây thua thiệt cho người sản xuất.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đánh giá này, nhưng đề nghị cần chỉ rõ địa chỉ. Cần nêu tập đoàn nào, hiệp hội nào làm chưa tốt, chưa tốt chỗ nào để đại biểu biết và để các đơn vị này còn rút kinh nghiệm.

Vấn đề nữa là chống tham nhũng, theo đại biểu Nga cũng cần nói rõ cơ sở nào để Chính phủ nhận định là công tác này thu được một số kết quả tích cực. Trong khi đó, đông đảo cử tri cho rằng tham nhũng vẫn diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng các cơ quan chức năng phát hiện còn ít, xử lý còn chậm. Một số vụ xử lý chưa thoả đáng, gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn Thời phản ánh tiếng nói từ nhiều doanh nghiệp về tình trạng “thích cũng cắt điện mà không thích cũng cắt điện”. Và lãi suất ngân hàng còn cao khiến nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để phát triển sản xuất.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện cả các vấn đề môi trường và xã hội chứ không nên nói đơn giản là chuyển biến còn chậm như báo cáo.

Trong 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm ngoái có 4 chỉ tiêu về môi trường. 7 vấn đề trọng tâm chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm 2010 cũng không thấy có giải pháp nào về môi trường, trong khi vấn đề này đang rất cần sự ra tay mạnh mẽ của Chính phủ, đại biểu Lê Văn Hưng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cũng nêu những vấn đề đang còn yếu hiện nay trong quản lý là quy hoạch lạc hậu rất nhanh, tài chính, tiền tệ, giá cả chưa tốt, giữa phát triển và chống lạm phát mâu thuẫn với nhau….