16:15 21/10/2024

Giảm thiểu rác thải nhựa từ các giải pháp cho tính tuần hoàn của bao bì

Ngọc Lan

Cùng với sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, khối tư nhân cũng đang nỗ lực trong việc ứng dụng các giải pháp/mô hình cho tính tuần hoàn của bao bì, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong số rác thải được thải ra thì bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay. Mở rộng tính tuần hoàn của bao bì để giảm thiểu rác thải nhựa đóng vai trò quan trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

DOANH NGHIỆP NỖ LỰC GIÚP GIẢM Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA TỪ BAO BÌ

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế. 

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam khẳng định, phần lớn bao bì nhựa bị thải ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa – vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.

Để giảm thiểu lượng rác thải nhựa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sử dụng bao bì tái chế. Chẳng hạn như nhờ hợp tác với các nhà tái chế nhựa trong nước, năm 2023, Coca-Cola Việt Nam đã thu gom và tái chế hơn 40% bao bì nhựa PET. Unilever Việt Nam cũng đạt được 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy.

Theo một khảo sát, tỷ trọng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì bằng giấy và carton đã được tới 42,9% các doanh nghiệp sử dụng, 1,2% doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng gỗ. Các loại bao bì kém thân thiện với môi trường hơn xốp, nilon, nhựa tái chế được lần lượt 12,5%, 11,9% và 11,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát sử dụng.

Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cũng đã được thành lập nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và làm cho việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn.

Mới đây, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã công bố rằng sau 2 năm thử nghiệm (2022– 2023), đến nay PRO Việt Nam đã xây dựng được các mô hình thu gom và tái chế vận hành hiệu quả với nhiều loại bao bì khác nhau. PRO Việt Nam đã thu gom và tái chế thành công hơn 17.000 tấn bao bì các loại, góp phần giảm thiểu gánh nặng rác thải lên môi trường.

Đến nay, PRO Việt Nam đã có 30 doanh nghiệp thành viên đều là các công ty có quy mô lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, nhập khẩu, thu gom và tái chế.

Cũng mới đây, Unilever đã chung tay cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và EY khởi xướng dự án CIRCLE Alliance, một sáng kiến hợp tác công tư mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. 

Trọng tâm ban đầu của sáng kiến là Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines, sau đó sẽ mở rộng sang các thị trường khác bằng cách thu hút các tổ chức mới để tăng nguồn vốn đầu tư.

CIRCLE Alliance là dự án hợp tác công–tư mới trị giá 21 triệu đô la nhằm mục đích hỗ trợ các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ trên toàn chuỗi giá trị ngành nhựa mở rộng các giải pháp hạn chế sử dụng nhựa, xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ. Dự án này đặc biệt tập trung vào phụ nữ, lực lượng thu gom rác chính làm việc trong khu vực phi chính thức ở nam bán cầu.

Bà Rebecca Marmot, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững của Unilever, cho biết mô hình hợp tác tăng tốc doanh nghiệp của CIRCLE – được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa tài trợ và hỗ trợ kinh doanh theo yêu cầu – sẽ giúp mở rộng cả các giải pháp mới lẫn các giải pháp hiện có cho tính tuần hoàn của bao bì, bất kể là mô hình thúc đẩy thu gom và tái chế hay mô hình tái sử dụng–tái nạp đầy.

“Điều quan trọng là mô hình này sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng như chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp các giải pháp dựa trên thị trường và có tác động mạnh mẽ nhưng quy mô hiện tại lại quá nhỏ để hoạt động theo nhu cầu của chúng tôi," bà Marmot chia sẻ.

VIỆT NAM ĐẶT MỤC TIÊU ĐẾN 2025 SẼ SỬ DỤNG 100% BAO BÌ THÂN THIỆN VƠI MÔI TRƯỜNG

Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. 

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, cũng cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Trong những năm qua nhiều giải pháp, chính sách xây dựng và phát triển ngành kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở Việt Nam đã được thực thi, trong đó phải kể đến chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).

Theo đó, với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy... Đây là chìa khóa mở cánh cửa để tái chế, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động.

Trong năm 2024, khi EPR có hiệu lực, PRO Việt Nam cũng đã cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì các loại để thực thi nghĩa vụ EPR theo ủy quyền của các công ty thành viên. PRO Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều được thu gom và tái chế.

Với ngành bao bì thuộc công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP có nội dung phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hay trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, dự án liên quan đến các sản phẩm bảo vệ môi trường cũng sẽ được ưu tiên vay vốn.