09:15 10/06/2008

Gian nan đối phó giá dầu tăng

Quốc Trung

Giá dầu mỏ liên tiếp tăng cao, đạt gần 140 USD/thùng vào cuối tuần qua đã đe dọa kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh lạm phát leo thang

Các nhà phân tích thị trường dự đoán, giá dầu thô thế giới có thể lên tới 150 USD/thùng vào tháng 7/2008 và 200 USD/thùng trong vòng hơn một năm nữa, do nhu cầu tăng cao và một phần do tình trạng đầu cơ trục lợi.
Các nhà phân tích thị trường dự đoán, giá dầu thô thế giới có thể lên tới 150 USD/thùng vào tháng 7/2008 và 200 USD/thùng trong vòng hơn một năm nữa, do nhu cầu tăng cao và một phần do tình trạng đầu cơ trục lợi.
Giá dầu mỏ liên tiếp tăng cao, đạt gần 140 USD/thùng vào cuối tuần qua đã đe dọa kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh lạm phát leo thang. Tìm giải pháp đối phó giá dầu cao đang là vấn đề nóng của nhiều nền kinh tế.

Các nhà phân tích thị trường dự đoán, giá dầu thô thế giới có thể lên tới 150 USD/thùng vào tháng 7/2008 và 200 USD/thùng trong vòng hơn một năm nữa, do nhu cầu tăng cao và một phần do tình trạng đầu cơ trục lợi.

Giá dầu vây hãm các nền kinh tế

Cơn sốt dầu mỏ không ngừng tăng nhiệt với xu hướng ngày càng “rút ngắn thời gian giữ kỷ lục” đang khiến các nhà lãnh đạo thế giới lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu giá dầu tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay thì nền kinh tế thế giới khó tránh khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Giá dầu tăng, giá lương thực và lạm phát cao, đang đẩy các nền kinh tế vào thế bí. Bởi giá dầu tăng sẽ đẩy giá một loạt mặt hàng thiết yếu tăng theo. Tại châu Á, các nước và vùng lãnh thổ như Philippines, Đài Loan, Indonesia đã phải quyết định tăng giá nhiên liệu, gây khó khăn cho đời sống người dân có thu nhập thấp. Ngay sau quyết định tăng giá xăng, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Indonesia và một số nước khác. Chính phủ Thái Lan đã phải chấp nhận bù lỗ khi ra quyết định giảm giá bán dầu diezen, sau khi nghiệp đoàn xe buýt đình công trong 24 giờ vì không được phép tăng giá vé.

Chính phủ Ấn Độ cho biết, sẽ công bố giá nhiên liệu mới cao hơn đôi chút trong vài ngày tới. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố cố giữ mức giá cũ cho đến ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng nhiên liệu cao, tình trạng cung-cầu không tương xứng, nên gần đây, nhiều tỉnh thành lớn ở miền Đông Trung Quốc khan hiếm xăng dầu trầm trọng.

Tại Hàn Quốc, ngày 8/6, Chính phủ đã công bố một kế hoạch trị giá gần 10,5 nghìn tỷ Won (10,3 tỷ USD), góp phần giảm bớt gánh nặng do giá dầu tăng cao cho những đối tượng thu nhập thấp và doanh nghiệp tư nhân. Kế hoạch này bao gồm giảm thuế thu nhập cho công nhân và doanh nghiệp tư nhân trong 1 năm. Ước tính, khoảng 12,8 triệu người được hưởng ưu đãi này. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có hiệu lực tới tháng 6/2009.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét giảm các loại thuế đánh vào xăng, dầu diezen và khí đốt hóa lỏng. Đồng thời, xem xét việc tiếp tục cắt giảm thuế suất, nếu giá dầu tăng lên mức 170 USD/thùng.

Kinh tế toàn cầu có thể chệch hướng

Một loạt các cuộc họp bàn về vấn đề năng lượng đã được tổ chức cuối tuần qua tại châu Âu và Nhật Bản, song chưa có giải pháp quyết định cho vấn đề giá dầu tăng phi mã.

Ngày 8/6, đại diện các nước G8, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc (các nước chiếm gần 2/3 tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới) đã nhóm họp tại Aomori (Nhật Bản), thảo luận về sáng kiến hợp tác quốc tế trong việc tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng sạch, xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng ở từng nước. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và 4 cường quốc châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng chi phí năng lượng tăng cao có thể làm chệch hướng đi của kinh tế toàn cầu.

Ông Samuel Bodman, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho rằng giá dầu cao kỷ lục là “một cơn sốc”, đồng thời khuyến cáo các nước sản xuất dầu rằng nếu kinh tế Mỹ bị chao đảo, thì các nước này cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng vì họ phụ thuộc vào Mỹ-động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Năng lượng Nhật Bản Akira Amari nhấn mạnh: “Việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có việc giữ ổn định thị trường dầu mỏ trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ nước nào”. Theo ông, nếu các nước không hành động ngay thì nền kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái toàn cầu. Cần phải giải quyết song song cả hai vấn đề: an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu vì đây là hai mặt của một vấn đề.

Trước cuộc họp ở Nhật Bản 2 ngày, tại cuộc họp ngày 6/6, các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch cải tổ nhằm tăng cường sự cạnh tranh trong ngành năng lượng của khối này. Theo đó, các nước EU được quyền quyết định hoặc buộc các tập đoàn lớn cung ứng khí đốt và điện tách khỏi các hệ thống phân phối của họ, hoặc cho phép các tập đoàn này duy trì hoạt động phân phối dưới sự giám sát nghiêm ngặt của một cơ quan điều phối.