Giao dịch xa xỉ có thể bị tạm hoãn trong 3 quý còn lại của năm 2025?
Tuần qua, hãng phân tích Bernstein dự báo doanh thu ngành hàng xa xỉ sẽ giảm 2% trong năm 2025, đảo ngược dự báo trước đó là tăng 5%, do bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng...

Báo cáo kinh doanh của các tập đoàn xa xỉ sắp được công bố sẽ cung cấp góc nhìn về kỳ vọng của các thương hiệu lớn nhất trong phần còn lại của năm 2025. LVMH dự định chọn ngày thứ Ba, Brunello Cucinelli và Moncler thứ Tư và Hermès chọn thứ Năm để báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025. Họ là những công ty thời trang lớn đầu tiên đưa ra những dự đoán kinh doanh kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố, sau đó là trì hoãn, mức thuế quan cao nhất trong một thế kỷ vừa qua.
Hầu hết các cổ phiếu xa xỉ đều có mặt trong đợt tăng giá trở lại của thị trường sau khi ông Trump hoãn thuế đối với các quốc gia (trừ Trung Quốc). Nhưng với một vài ngoại lệ, giá trị cổ phiếu chỉ phục hồi được một phần nhỏ mức lỗ của tuần trước.
Một phần là do ngành hàng xa xỉ đang chuẩn bị cho năm 2025 đầy biến động ngay cả trước bài phát biểu của ông Trump tại Vườn Hồng ngày 2/4. Nền kinh tế Hoa Kỳ chậm lại, sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc và sự mệt mỏi của người tiêu dùng với mức giá cao đều được chứng thực là đang đè nặng lên doanh số bán hàng.

Thực tế, ngay cả khi thuế quan đối ứng được hoãn lại 90 ngày, Hoa Kỳ vẫn sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và mức thuế khổng lồ lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Hai động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ đã liên tục đánh thuế trả đũa lên hàng hóa của nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin và tâm lý người tiêu dùng tại cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Với những tập đoàn hàng đầu, đây sẽ là dịp để kiểm chứng lại quan niệm rằng liệu suy thoái kinh tế nặng nề có thể ngăn cản giới siêu giàu sở hữu túi Birkin và áo khoác dạ cashmere? Lĩnh vực hàng xa xỉ cá nhân, vốn đã giảm 2% xuống còn 402 tỷ USD vào năm 2024 (theo Bain) sẽ phải đối mặt với sự suy giảm thậm chí còn lớn hơn nếu mức thuế được đề xuất có hiệu lực.
Châu Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ, là thị trường hàng xa xỉ cá nhân lớn thứ hai thế giới, chiếm 28% thị phần, sau châu Âu với 30% thị phần vào năm 2024. Tuy nhiên, chi tiêu của khách du lịch Mỹ đã thúc đẩy tăng trưởng của châu Âu vào năm ngoái, vì vậy người tiêu dùng Mỹ vẫn là những người định hình thị hiếu, thúc đẩy doanh thu của các thương hiệu xa xỉ.

Về phía cung, theo Ủy ban châu Âu, EU là nhà cung cấp hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. EU cung cấp khoảng 70% thị trường hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu, bao gồm thời trang, phụ kiện, đồ trang sức và đồng hồ, đồ da, nước hoa và mỹ phẩm, với tổng giá trị là 288 tỷ USD vào năm 2024. Theo tờ Le Monde, Pháp đã xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD hàng xa xỉ sang Hoa Kỳ vào năm 2024.
Tương tự Pháp, ngành hàng xa xỉ trị giá 105 tỷ USD của Anh phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Theo Walpole, hiệp hội thương mại xa xỉ của Anh, khoảng 70% hàng xa xỉ của Anh được xuất khẩu, bao gồm 22% tổng lượng hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tổng giám đốc điều hành Walpole Helen Brocklebank lưu ý rằng dưới thời chính quyền Trump đầu tiên, mức thuế 25% đối với rượu whisky Scotch đã khiến ngành công nghiệp này thiệt hại gần 800 triệu USD.
Bà Brocklebank cảnh báo thêm: “Ngành hàng xa xỉ trước đây đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng và chúng ta phải đảm bảo lịch sử không lặp lại. Tuy nhiên, với căng thẳng thương mại leo thang ở mức báo động, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương toàn diện đang hiện hữu”.
Dù vậy, theo tờ Jing Daily, khi vở kịch thuế quan diễn ra trong giới ngoại giao, người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người ra quyết định cho tương lai của thị trường xa xỉ. Kể từ sau cơn sốt hậu đại dịch, hàng xa xỉ đã mất đi một phần sức hấp dẫn, với mức tăng giá liên tục, thật khó để người tiêu dùng nhiệt tình rút ví.

“Trước khi có tuyên bố thuế quan, thị trường xa xỉ đã đòi hỏi phải xây dựng lại sự hài lòng và lòng tin của khách hàng”, bà Claudia D'Arpizio, đối tác cấp cao của Bain và giám đốc toàn cầu về thời trang và hàng xa xỉ, chia sẻ.
“Chúng tôi đang thấy dấu hiệu của sự phân hóa nhẹ trong cơ sở dữ liệu khách hàng vào năm ngoái. Những khách hàng rời bỏ thị trường thời gian qua phần lớn là những người tiêu dùng trung lưu, nhưng thị trường có thể mất thêm nhiều khách hàng giàu có thực sự trong năm nay khi sự bất ổn xung quanh chính sách thuế quan và tác động của chúng đến nền kinh tế toàn cầu gia tăng”.
Việc ông Trump liên tục thay đổi quan điểm khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Một giám đốc điều hành chia sẻ trên Financial Times rằng công ty ông đã phải điều chỉnh thuế nhập khẩu với hàng gửi sang Mỹ tới ba lần chỉ trong chưa đầy một tuần. “Sự bất định, việc mất niềm tin chính là một chất độc nguy hiểm đối với tâm lý người tiêu dùng”, vị CEO trên nhận xét.
Trong khi quan niệm thông thường cho rằng những người tiêu dùng giàu có và có giá trị tài sản ròng cao, những khách hàng cốt lõi của thị trường xa xỉ, sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng, bà D'Arpizio khuyên rằng: "Sau hai năm giá cả tăng và lạm phát đáng kể đối với các sản phẩm mang tính biểu tượng của các thương hiệu xa xỉ, ngay cả mức tăng giá khiêm tốn 5% cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng".
Nói cách khác, mua một sản phẩm thương hiệu xa xỉ không chỉ là một cảm xúc tùy hứng. Nó mang ý nghĩa biểu tượng, cảm xúc sâu sắc hơn gắn liền với bản sắc cá nhân và giá trị bản thân. “Trong khi thuế quan làm tăng giá và lạm phát làm tăng thêm chi phí nhiên liệu, thì động lực quan trọng nhất khiến việc chi tiêu xa xỉ dừng lại không phải là kinh tế học – mà là tâm lý học”, Chandler Mount, người sáng lập và giám đốc điều hành của The Affluent Consumer Research Company, chia sẻ.

Ngoài khía cạnh cá nhân, việc mua sắm xa xỉ còn có khía cạnh xã hội. Mong muốn và sức mua của một cá nhân vẫn có thể tồn tại, nhưng họ trì hoãn sẽ trì hoãn giao dịch vì lo âu về “sa thải”, “suy thoái” hoặc “tăng lãi suất".
Nhìn về phía trước với tình hình thuế quan vẫn còn rất mơ hồ, ông Mount dự đoán rằng thời trang xa xỉ sẽ bị ảnh hưởng khi các khoản chi tiêu cho phụ kiện xa xỉ bị trì hoãn và đồ trang sức sẽ bán chậm lại. Đồ nội thất cao cấp cũng như xe sang cũng vậy.
Tóm lại, các thương hiệu xa xỉ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn vào năm 2025, điều mà họ chưa từng chứng kiến kể từ cuộc đại suy thoái hay Covid-19. “Trong thời điểm bất ổn này, điều xa xỉ nhất có lẽ là sự kiềm chế. Sự xa xỉ không miễn nhiễm với kinh tế, nhưng nó bị chi phối bởi tâm lý và niềm tin tiêu dùng”, ông Mount kết luận.