10:14 14/04/2025

Nhờ biến động thuế quan, Prada đã chốt hời để sở hữu Versace

Băng Sơn

Tập đoàn Prada đã bổ sung một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của Ý vào danh mục thương hiệu của mình với mức giá hấp dẫn 1,25 tỷ euro. Đây là một bước đi táo bạo trong bối cảnh thị trường xa xỉ khó khăn…

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Tập đoàn Hoa Kỳ Capri Holdings đã bán Versace với mức lỗ khoảng 700 triệu USD. Một nguồn tin giấu tên chia sẻ cùng Reuters rằng Capri Holdings cần phải thoái vốn khỏi Versace để tập trung vào việc xoay chuyển thương hiệu thời trang mang lại lợi nhuận chính là Michael Kors.

Giám đốc điều hành của Capri John Idol cho biết giao dịch này phản ánh cam kết của họ trong việc tăng giá trị cho cổ đông. Đồng thời, củng cố bảng cân đối kế toán và thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai của Michael Kors và Jimmy Choo.

Còn với Prada, tập đoàn muốn mua lại Versace để tiếp tục có thể tăng trưởng khi các thương hiệu hiện tại bắt đầu trưởng thành và có tốc độ phát triển chững lại. Versace, một thương hiệu nổi tiếng với phong cách baroque đậm chất tối đa (maximalism), sẽ mang lại một tệp khách hàng mới cho tập đoàn vốn chuyên trị phong cách tối giản.

Lorenzo Bertelli, giám đốc tiếp thị của tập đoàn Prada, cho biết: “Không có sự chồng chéo nào giữa Prada và Versace về mặt sáng tạo hay về tệp khách hàng”. Do đó, thương vụ mua bán và sáp nhập dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho cả Prada và Versace.

Thỏa thuận này đã đưa một trong những nhãn hiệu thời trang Ý nổi tiếng nhất trở lại dưới sự kiểm soát của Ý. Mặc dù Ý chiếm 50% đến 55% sản lượng hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu, theo ước tính của công ty tư vấn Bain, quốc gia này vẫn thiếu một tập đoàn có quy mô sánh ngang với các công ty Pháp như LVMH và Kering, chủ sở hữu của Gucci.

Prada mua lại Versace từ Capri Holdings, là thương vụ hợp nhất hai tên tuổi lớn nhất của làng thời trang Italy.
Prada mua lại Versace từ Capri Holdings, là thương vụ hợp nhất hai tên tuổi lớn nhất của làng thời trang Italy.

"Tham vọng trở thành tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu nước Ý của Prada là một động thái quan trọng trong một thị trường do các tập đoàn Pháp thống trị. Đây chính xác là điều mà nhiều người Ý đang hy vọng", Achim Berg, cố vấn ngành thời trang và hàng xa xỉ, cho biết. "Thương vụ khơi dậy hy vọng về thương hiệu hàng xa xỉ "Made in Italy" (được làm tại Italy), sau khi nhiều nhãn hàng do gia đình sáng lập khác đã rơi vào tay người Pháp, Thụy Sĩ hoặc Mỹ". 

Thỏa thuận với Versace diễn ra sau khi Andrea Guerra trở thành CEO của Prada vào năm 2023 để tạo nên sự chuyển tiếp hiệu quả về thế hệ, với việc Lorenzo Bertelli, con trai của chủ sở hữu chính của công ty và hiện là giám đốc tiếp thị, được nhắm tới là người thừa kế tập đoàn.

Theo giám đốc điều hành Andrea Guerra, việc mua lại Versace là một dự án dài hạn của Prada và chủ yếu nhằm mục đích tăng doanh thu hơn là tiết kiệm chi phí. Dẫu vậy, tập đoàn vẫn tiết kiệm được kha khá. Ban đầu, ước tính cho rằng Versace trị giá tối thiểu 1,6 tỷ USA. Tuy nhiên, với các biến động về thuế quan thì mức giá cổ phiếu của tập đoàn Capri Holdings đã giảm.

Nhờ đó, Prada chỉ phải chi trả 1,38 tỷ USD cho Versace, hời hẳn 200 triệu USD. Mức giá Prada đưa ra cũng thấp hơn đáng kể so với số tiền 2,15 tỷ USD (gồm nợ) mà Capri từng chi vào năm 2018 để thâu tóm thương hiệu này từ gia đình Versace và quỹ đầu tư Blackstone. Kể từ sau các thương vụ mua lại Helmut Lang và Jil Sander vào cuối những năm 1990, được Chủ tịch Bertelli thừa nhận là "những sai lầm chiến lược", Prada gần như không còn thực hiện các thương vụ lớn cho đến khi mua lại Versace.

Nhờ biến động thuế quan, Prada đã chốt hời để sở hữu Versace - Ảnh 1

Prada có trụ sở tại Milan, do nhà thiết kế Miuccia Prada và chồng là Patrizio Bertelli điều hành và được niêm yết tại Hồng Kông với vốn hóa thị trường khoảng 14 tỷ euro (15 tỷ USD). Đây là tập đoàn thời trang xa xỉ lớn nhất của Ý tính theo doanh thu. Nhưng tập đoàn này, bao gồm cả nhãn hiệu Miu Miu đang phát triển nhanh chóng, vẫn chỉ là một công ty nhỏ xét về giá trị thị trường chứng khoán so với những công ty như LVMH.

Thương vụ được công bố trong bối cảnh hàng loạt kế hoạch IPO và M&A đã bị hoãn lại, do làn sóng bán tháo cổ phiếu và lo ngại suy thoái, bắt nguồn từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc Prada chấp nhận chi khoản tiền “khiêm tốn” để sở hữu một biểu tượng như Versace được các chuyên gia đánh giá là một nước đi “khôn ngoan đúng thời điểm”.

Tiếp theo Prada có kế hoạch đầu tư thêm 250 triệu euro để tái khởi động Versace, thương hiệu đang phải vật lộn để theo kịp các thương hiệu lâu đời lớn hơn kể từ khi bán cho Capri Holdings vào năm 2018. Tình hình cũng có đôi chút khó khăn khi nhà thiết kế Donatella Versace, em gái của nhà sáng lập, tuyên bố rời khỏi vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu sau gần 30 năm nắm giữ vai trò này tại Versace.

Prada cũng muốn mở rộng quy mô sau khi vượt qua làn sóng suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ, trong khi Versace vẫn thua lỗ. Năm ngoái, Prada Group đạt doanh thu 2024 đạt 5,4 tỷ euro (6 tỷ USD), tăng 17% nhờ thành công lớn của thương hiệu con là Miu Miu, khi doanh số tăng đến 93%.

Ngược lại, trong báo cáo tài chính gần nhất, Capri - sở hữu Versace, Michael Kors và Jimmy Choo - dự kiến doanh thu của Versace giảm xuống còn 810 triệu USD trong năm tài chính hiện tại, từ mức một tỷ USD vào 2024. Cổ phiếu của Capri Holdings - công ty sở hữu Versace, Michael Kors và Jimmy Choo - đã giảm gần 10% trên sàn New York và mất gần 30% giá trị từ đầu năm, trong khi các nhà phân tích cho rằng định giá của thương vụ trên thấp hơn kỳ vọng.

Nhà thiết kế Miuccia Prada cùng chồng là Chủ tịch Prada Patrizio Bertelli đang tìm cách mở rộng tập đoàn, mặc dù nhu cầu về hàng xa xỉ suy giảm. 
Nhà thiết kế Miuccia Prada cùng chồng là Chủ tịch Prada Patrizio Bertelli đang tìm cách mở rộng tập đoàn, mặc dù nhu cầu về hàng xa xỉ suy giảm. 

Dù thế nào, thương vụ này giúp tăng cường vị thế của nước Ý trong ngành hàng xa xỉ vốn do các tập đoàn Pháp thống lĩnh. “Chúng tôi muốn tiếp nối di sản của Versace, tôn vinh và tái hiện lại thẩm mỹ táo bạo và vượt thời gian của thương hiệu này. Bộ máy của chúng tôi đã sẵn sàng và có vị thế tốt để viết nên một trang mới trong lịch sử của Versace”, Chủ tịch Prada, ông Patrizio Bertelli tuyên bố. Ông khẳng định Prada sẽ mang lại cho Versace một nền tảng vững chắc, dựa trên nhiều năm đầu tư và các mối quan hệ sâu rộng trong ngành thời trang cao cấp.

“Versace có tiềm năng rất lớn, nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật trong triển khai chiến lược”, CEO Prada Andrea Guerra nhận định. Đầu tiên, vị trí giám đốc sáng tạo đã được trao cho Dario Vitale, một nhà thiết kế có nhiều kinh nghiệp tại Miu Miu, thương hiệu em gái của Prada.

Chưa rõ Dario Vitale sẽ mang lại những thay đổi như thế nào, tuy nhiên nhà thiết kế này đã công tác tại Miu Miu từ năm 2010 và gần đây nhất nắm vai trò giám đốc thiết kế mảng Thời trang may sẵn, cũng như Trưởng bộ phận hình ảnh thương hiệu. Những năm tháng làm việc với Miu Miu đã giúp nhà thiết kế này được kỳ vọng sẽ tạo nên kỳ tích về mặt thương mại và doanh thu, từ đó khiến khoản cược vào Versace của Prada sẽ thành công.