18:29 26/06/2023

Giữ nguyên quy định “chờ sau 12 tháng” mới được rút bảo hiểm xã hội một lần

Phúc Minh

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng quy định “chờ sau 12 tháng” nghỉ việc mới được rút bảo hiểm xã hội một lần là phù hợp, vì đây là khoảng thời gian cần thiết để người lao động cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Quy định này cũng đồng bộ, liên kết với quy định của bảo hiểm thất nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Cả hai phương án này đều có điều kiện chung là "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…".

Sau khi đưa ra lấy ý kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết nhận được các góp ý về việc đề nghị bỏ phương án 1; đồng thời sửa đổi phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng; đề nghị giảm quy định chờ 12 tháng xuống còn 3 tháng.

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị được giữ như dự thảo. Bởi vì, việc bỏ quy định “chờ sau 12 tháng”, giảm quy định chờ 12 tháng xuống còn 3 tháng là đi ngược với chủ trương của Nghị quyết số 28-NQ/TW: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, bởi nếu bỏ quy định “chờ sau 12 tháng”, hoặc giảm quy định chờ 12 tháng xuống còn 3 tháng thì số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm mà sẽ tăng lên.

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2018-2021, có đến trên 90% người lao động khi mất việc nhận trợ cấp thất nghiệp, đồng thời đề nghị nhận bảo hiểm xã hội một lần.

“Người lao động vì nhu cầu, lợi ích trước mắt, hầu hết khi mất việc, nghỉ việc ngay lập tức sẽ nghĩ ngay đến việc nhận trợ cấp thất nghiệp cùng với nhận bảo hiểm xã hội một lần; thậm chí có người không mất việc nhưng vì muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần mà sẽ chủ động xin nghỉ việc giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần ngay sau đó lại tiếp tục đi làm. Như vậy, số người nhận bảo hiểm xã hội một lần chắc chắn sẽ gia tăng nhanh chóng làm ảnh hưởng đến mục tiêu gia tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ.

Hơn nữa, quy định “chờ 12 tháng” đã được thực hiện từ Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và được tiếp tục duy trì tại Nghị quyết 93/2015/QH13 cho đến nay.

Quy định này xuất phát từ mục tiêu của chế độ hưu trí là lương hưu hàng tháng để ổn định cuộc sống khi về già cho người lao động. Quy định này là cần thiết và phù hợp vì đây là khoảng thời gian cần thiết để người lao động tìm kiến việc làm mới sau khi bị mất việc, khi đi làm ở đơn vị mới thì sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở đơn vị mới.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để người lao động cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bởi thực tế nhiều người lao động sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần lại đề nghị trả lại để bảo lưu thời gian đóng nhưng không thực hiện được.

“Trước đây, bài học về hàng trăm nghìn người lao động xin nhận trợ cấp một lần theo Quyết định 176, 111, đến nay vẫn để lại những hậu quả rất lớn và dai dẳng, nhiều người trong số này xin trả lại số tiền đã nhận trợ cấp một lần để hưởng lương hưu nhưng không thể thực hiện được”, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật lý giải.

Ngoài ra, quy định “chờ 12 tháng” cũng đồng bộ, liên kết với quy định của bảo hiểm thất nghiệp; người lao động mất việc có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng, trong thời gian đó còn được tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo, học nghề,.. để người lao động sớm trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Chính vì vậy, để phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng không nên bỏ quy định “sau 12 tháng” ở cả 2 phương án đang được đề xuất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Trước đó, góp ý về nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi đề nghị bỏ phương án 1; đồng thời sửa đổi phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng cho rằng, cả khi cơ quan Bảo hiểm xã hội đã áp dụng các giải pháp công nghệ tối đa nhưng vẫn bị vi phạm vào thời hạn 12 tháng.

Lý do là tại thời điểm giải quyết đã đảm bảo đúng quy định nhưng đơn vị báo tăng lao động tham gia với thời điểm tăng trong khoảng 12 tháng sau khi cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động đơn vị mới phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội; do thanh tra, kiểm tra; do hợp đồng lao động có điều khoản thử việc...).

Việc thu hồi tiền trong các trường hợp này là không khả thi trong khi phát sinh rất nhiều công việc cho cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp.