Giữ nhịp tăng trưởng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tại các quốc gia trên thế giới, pháp luật không chỉ phục vụ mục đích quản lý hay để áp dụng các chế tài, mà văn bản pháp luật cũng cần có những quy định chính sách để thị trường trái phiếu phát triển...
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thị trường vốn của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Quy mô thị trường đến thời điểm hiện tại đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với năm 2015. Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên là thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 14,2% GDP, thậm chí ở một số thống kê khác, con số này lên tới 16,6% GDP.
Phát triển nóng cũng đồng nghĩa hành lang pháp lý khó lòng theo kịp. Thể hiện rõ nhất ở một loạt vụ việc diễn ra gần đây, khiến tâm lý nhà đầu tư bị hoang mang.
Từ đó, nhà quản lý buộc phải hành động mạnh mẽ nhằm thanh lọc thị trường. Đồng thời, nhằm tránh các vụ việc tương tự, pháp luật cho thị trường này cũng đang được dự thảo sửa đổi theo hướng siết chặt lại.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Tọa đàm "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức 29/4, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, ở các quốc gia trên thế giới, pháp luật không chỉ phục vụ mục đích quản lý hay để áp dụng các chế tài, mà văn bản pháp luật cũng cần có những quy định chính sách để thị trường trái phiếu phát triển.
Trong các dự thảo của Nghị định sửa đổi Nghị định 153, ông Hà đánh giá, quan điểm siết chặt của Bộ Tài chính ngày càng được thể hiện rõ. Thậm chí, tại dự thảo mới nhất, đã xuất hiện một số điều khoản mang tính chất bất cập.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ. “Điều kiện quay ngoắt 180 độ khiến doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp này thường có thời gian dự kiến lỗ từ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình. Vì vậy, sẽ rất nhiều dự án tốt bị bỏ rơi”, ông Hà nói.
Theo Luật sư Hà, để hài hoà lợi ích của nhà đầu tư cũng như công tác quản lý của nhà quản lý thì vai trò của cơ quan tham mưu, nhất là Bộ Tài chính trong việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp… là điều rất quan trọng.
“Không phải chỉ vì một vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khoá chặt thị trường. Cần có tư duy cởi mở thì mới giữ được nhịp tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hà chia sẻ.
Thêm vào đó, ông Hà đánh giá, trái phiếu thực ra là khế khước, tức hợp động vay nợ của doanh nghiệp với cá nhân hay với một nhà đầu tư. Và giao dịch dân sự này cần tôn trọng sự vận động của thị trường, nếu dùng tới các biện pháp hành chính sẽ làm méo mó sự phát triển, dẫn đến tình trạng kênh huy động vốn rất tốt bị bỏ hoang.
Vì vậy, ông Hà khuyến nghị, trước mắt để giữ nhịp tăng trưởng của kênh vốn này, các cơ quan quản lý cần phải trấn an nhà đầu tư, không nên để tình trạng hoang mang lan rộng. Đồng thời phải xử lý một cách hợp tình hợp lý với các lô trái phiếu bị huỷ bỏ, nếu không những lứa nhà đầu tư sau sẽ rất khó để đưa ra quyết định xuống tiền.
Xa hơn, ông Hà kiến nghị phải sửa Nghị định 153 theo hướng phù hợp với thị trường hơn, chứ không phải theo hướng thắt chặt.
“Nhìn chung, muốn thiết lập lại thị trường mà ban hành chính sách thắt chặt chỉ có phản tác dụng. Trong đó, thị trường có thể bị đóng băng hoàn toàn, hoặc lại phát sinh thêm kiểu “lách” khác và hành lang pháp lý lại phải chạy theo để sửa đổi”, ông Hà nêu quan điểm.