00:00 22/01/2023

Giữ nhịp xuất khẩu năm 2023

GS.TS. Andreas Stoffers

Xuất khẩu là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Việt Nam nhưng đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm từ tháng 9/2022 và kéo dài đến cuối năm 2022. Đà suy thoái này dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2023 do những yếu tố bất lợi từ ngoại sinh và cả trong nội tại nền kinh tế của Việt Nam...

Tính đến tháng 11/2022, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã suy giảm 4 tháng liên tiếp.
Tính đến tháng 11/2022, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã suy giảm 4 tháng liên tiếp.

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng dịch bệnh nhưng khi cơn bão đi qua, những trận lũ quét mới thực sự gây lo ngại. Nhiều vấn đề tiêu cực cho nền kinh tế đã bộc lộ rõ ràng trong năm 2022 và vẫn có thể là thách thức trong năm 2023.

Đó là: (1) lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu (EU, một trong hai thị trường xuất siêu của Việt Nam trong năm 2022, quốc gia còn lại là Mỹ) khiến sức mua suy giảm; (2) các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm giảm áp lực lạm phát; (3) xung đột Nga - Ukraine dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và năng lượng; (4) tình hình địa chính trị tiềm ẩn căng thẳng (vấn đề Đài Loan, Nga); (5) khả năng bùng phát trở lại của các dịch bệnh và trên hết là các biện pháp đối phó có thể quá mức; (6) nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu có khả năng làm suy yếu dòng chảy thương mại cũng đang rình rập trong năm 2023.

Kết thúc tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đà suy giảm này đã kéo dài 4 tháng liên tiếp.

Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 10,6 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thặng dư này chủ yếu đến từ hoạt động của khu vực FDI (xuất siêu 38,57 tỷ USD). Ngược lại, khu vực trong nước thâm hụt rõ rệt 27,97 tỷ USD.

Giữ nhịp xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 1

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC

Ngoại thương và FDI vẫn sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2023, cùng với tiêu dùng và đầu tư công. Tùy thuộc vào các yếu tố kinh tế toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% của Việt Nam trong năm 2023 là khả thi. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể gặp một số khó khăn trong năm 2023.

Quan sát dữ liệu về chỉ số sử dụng lao động do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố cho thấy, chỉ số này tăng liên tục từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022. Đặc biệt, tháng 8/2022, chỉ số này tăng mạnh lên 23,21% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, chỉ số sử dụng lao động bắt đầu giảm mạnh kể từ tháng 9/2022.

Tại thời điểm 1/11/2022, chỉ số này giảm xuống còn 5,86% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động giảm tốc mạnh có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm về đơn hàng ở thị trường xuất khẩu. Chỉ số này giảm xuống ở hầu hết các ngành nhưng giảm mạnh nhất là ngành chế biến chế tạo, từ 25,1% tháng 8/2022 xuống còn 6,3% vào tháng 11/2022.

Như đã phân tích ở trên, sự sụt giảm về số lượng đơn hàng và lượng xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như: dệt may, da giày, sắt thép, hạt điều,… nhiều khả năng tiếp diễn trong năm 2023. Ngoài ra, đơn hàng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường châu Âu cũng có thể bị giảm sút.

Giá dầu trong thời gian tới có thể bị tác động từ nhiều yếu tố có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Sự biến động của giá dầu có tác động rất lớn tới nền kinh tế, chính sách tiền tệ của rất nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Đây là biến số phức tạp mà Việt Nam cần theo dõi kỹ và có đối sách phù hợp.

Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu như may mặc và da giày có thể chưa được giải quyết triệt để vào năm 2023.

Từ trong nước, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là thiếu vốn, đặc biệt là nguồn vốn với mức lãi suất chấp nhận được. Sản xuất kinh doanh vẫn còn một số khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cộng với đơn hàng giảm, cung vượt cầu khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sụt giảm, gây khó khăn cho dòng tiền lưu động.

Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay hiện nay cũng khá thách thức đối với doanh nghiệp khi lãi suất ngày càng tăng, các ngân hàng thương mại hạn chế tín dụng và việc dùng bất động sản làm tài sản thế chấp khó khăn hơn trước.

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm tính hiệu quả của kênh huy động vốn này trong ngắn, trung và dài hạn.

Từ phân tích những khó khăn nêu trên cho thấy, các ngành hàng xuất khẩu phục vụ nhu cầu thiết yếu như cà phê, hạt tiêu, thủy sản… vẫn có thể tăng trưởng và ít bị tác động tiêu cực hơn (các sản phẩm cá tra, cá ba sa của Việt Nam có thể tăng thị phần ở EU với giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác), nhưng một số ngành khác như sắt, thép, gỗ có thể bị suy giảm xuất khẩu.

Trong bối cảnh khó khăn và bất định này, những doanh nghiệp Việt Nam có sức khỏe tài chính lành mạnh và đã xây dựng được quy trình quản trị rủi ro vững chắc (MRM, CRM, ORM), đã đa dạng hóa các đối tác thương mại và kinh doanh sẽ vươn lên mạnh mẽ. Những doanh nghiệp này sẽ tiếp tục gặt hái lợi nhuận hấp dẫn và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như đã phân tích ở trên nhưng nhìn chung, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường lớn như EU trong năm 2023 được đánh giá là khả quan.

Một mặt, nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU ngày càng tăng, từ nông sản, dệt may đến máy móc và thiết bị điện. Mặt khác, EVFTA là một trợ lực rất tuyệt vời cho triển vọng xuất khẩu sang EU. Hầu hết các loại thuế quan sẽ được giảm xuống bằng 0. Tuy các tiêu chuẩn và định mức của EU có tính ràng buộc theo hợp đồng, nhưng đây không phải là bất lợi vì nó làm tăng chất lượng của sản phẩm Việt Nam. Nếu làm tốt ở EU, hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ tăng tính cạnh tranh trên các thị trường khác.

Từ phía doanh nghiệp, các công ty Việt Nam nên khắc phục tình trạng lệ thuộc vào một hoặc một vài đối tác kinh doanh và thương mại. Một điểm quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới.

Từ phía Chính phủ, một số giải pháp có thể áp dụng để không chỉ giữ nhịp xuất khẩu mà còn biến năm 2023 thành một năm thành công.

Thứ nhất, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Những mục tiêu mà Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua là cải cách thủ tục hành chính, giảm quan liêu, tăng cường minh bạch và các chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, duy trì việc cải cách thể chế nhằm xây dựng kinh tế thị trường và thúc đẩy thương mại tự do, tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do.

Thứ ba, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng. Nợ công, lý thuyết tiền tệ hiện đại và chủ nghĩa Keynes không tốt cho việc duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam.

Thứ tư, cần có các giải pháp tài chính hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.

Thứ năm, Chính phủ cần khuyến khích các công ty Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi. Nền kinh tế Việt Nam năng động và phát triển nhanh, vì vậy, các doanh nghiệp cần linh hoạt thích nghi để thành công.

Trong ngắn hạn, có thể sẽ có những thách thức về chính sách kinh tế vào năm 2023, chủ yếu là do tình hình toàn cầu còn bất ổn. Song, triển vọng phát triển của Việt Nam là tích cực trong trung và dài hạn. Cơ sở vững chắc cho sự lạc quan này chính là cam kết rõ ràng của Chính phủ Việt Nam về thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, kinh tế thị trường và hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế; cùng với tình hình tài chính công lành mạnh và các chính sách thận trọng của Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giữ nhịp xuất khẩu năm 2023 - Ảnh 2