09:15 15/01/2010

"Gỡ vướng" cho bảo hiểm thất nghiệp

Vũ Quỳnh

Việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn quá nhiều bất cập

Chỉ có hơn 8% số người đăng ký được xác định đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Chỉ có hơn 8% số người đăng ký được xác định đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Chiều 14/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có buổi họp báo tại Hà Nội nhằm thông báo tình hình thực hiện và giải đáp những thắc mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, tuy mới chỉ thực hiện chi trả được hơn 10 ngày nhưng bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan tới người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm.

Vướng ở nhiều khâu

Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thống kê đầu tiên về việc triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, hiện đã có 3515 người lao động đến đăng ký thất nghiệp, trong đó có 592 người đã làm xong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 298 người (chiếm hơn 8% số người đăng ký) được xác định đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm này.

Theo báo cáo của Cục Việc làm, cả nước có 50 tỉnh có người đến đăng ký thất nghiệp. Trong đó, khu vực phía Nam có lượng người đăng ký thất nghiệp đông hơn rất nhiều hơn so với khu vực phía Bắc.
 
Cụ thể, Tp.HCM có 1.926 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 63 người nộp hồ sơ được hưởng, 20 người đang trình giám đốc sở lao động ra quyết định hưởng. Bình Dương có 655 người đến đăng ký thất nghiệp, trong đó 306 người nộp hồ sơ hưởng, 243 người đang giai đoạn chờ trình . Đồng Nai có 131 người đăng ký thất nghiệp trong đó có 27 người nộp hồ sơ hưởng, 2 người đang trình giám đốc sở lao động ra quyết định.
 
Trong khi đó, ở Hà Nội chỉ có 62 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và chỉ có 1 người thất nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị được hưởng . Nhiều tỉnh phía Bắc khác như Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu... vẫn chưa có người nào đến đăng ký thất nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp nhiều nơi còn chậm và số lượng người đủ điều kiện được hưởng đạt thấp là do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ.

Ngoài ra, một số vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp nảy sinh do các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Ví dụ, người lao động đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thì yêu cầu phải làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội trong vòng 15 ngày, trong khi doanh nghiệp lại chưa trả sổ cho lao động vì bảo hiểm xã hội chưa làm xong. Hỏi bảo hiểm xã hội thì họ lại cho rằng do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm thất nghiệp…nên họ chưa chốt.

Thêm nữa, các doanh nghiệp có trụ sở tại một địa phương nhưng chi nhánh lại ở địa phương khác thì khi người lao động bị thất nghiệp sẽ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại đâu (tại nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp hay tại địa phương họ làm việc)...

Gỡ vướng với sổ bảo hiểm xã hội

Hiện nay khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp theo ông Kiều Văn Minh, Trưởng ban thu bảo hiểm xã hội Việt Nam là do việc thiếu sổ bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp chưa trả cho lao động, khiến nhiều lao động thất nghiệp không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
 
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có tới 60% doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội và 30% nợ bảo hiểm xã hội.
 
Để giải quyết tình trạng trên, ông Minh cho biết, bảo hiểm xã hội nên "linh động" cho doanh nghiệp chậm đóng 1 tháng vẫn có thể chốt sổ. Còn doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 1 đến 3 tháng thì người sử dụng lao động phải cam kết với bảo hiểm xã hội một tháng sau phải hoàn trả.

Ngoài ra, theo ông Minh, các tỉnh nên học tập cách làm của Bình Dương trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Cụ thể, tỉnh này đã có sáng tạo trong việc rút ngắn thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội bằng cách cấp sổ bảo hiểm xã hội dạng tờ rời cho người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội.  Cách làm này vừa đúng quy định, đầy đủ thông tin vừa giúp giảm bớt thời gian chờ đợi chốt sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.  

Cách làm nói trên cũng đã giúp Bình Dương có tỷ lệ người lao động hoàn thành hồ sơ hưởng bảo hiểm  thất nghiệp lớn nhất nước: 655 người đến đăng ký thất nghiệp, trong đó có 306 người đã hòan thành hồ sơ hưởng – chiếm tỷ lệ gần 50%.