09:16 24/09/2015

GrabCar đang dần thay đổi cả taxi truyền thống

Việt Anh

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đang trở thành một xu hướng rất rõ rệt trong dịch vụ vận tải

Mặc dù có những phản ứng ban đầu, nhưng lãnh đạo các hãng vận tải, taxi đã dần có những quan điểm tích cực hơn về dịch vụ kết nối khách hàng bằng công nghệ thông tin.<br>
Mặc dù có những phản ứng ban đầu, nhưng lãnh đạo các hãng vận tải, taxi đã dần có những quan điểm tích cực hơn về dịch vụ kết nối khách hàng bằng công nghệ thông tin.<br>
Ở Hà Nội, Tp.HCM hiện nay, ngày càng nhiều người đi sử dụng dịch vụ GrabTaxi đi làm. Trên mạng xã hội, đã có những nhóm (group) để các thành viên trao đổi mã GrabTaxi hàng tuần. Trong khi người ta hào hứng với dịch vụ mới với giá rẻ thì với các hãng taxi truyền thống, hầu như người ta chưa thấy có gì thay đổi về cung cách, chất lượng dịch vụ.

Đã mấy tháng nay, ngày nào cũng đi làm bằng GrabTaxi, Trần Thu Hương (ngõ 354, đường Trường Chinh, Hà Nội) nói: “Bình thường, trước đây, hôm nào đi taxi đến cơ quan, tôi mất khoảng 45 ngàn đồng. Nhưng bây giờ, đi GrabTaxi, tuần nào cũng được trừ 20.000 đồng/chiều, đến cơ quan chỉ mất hơn 20 ngàn đồng. nên tôi bỏ cả xe máy, đi taxi cho tiện. Đi xe máy đến cơ quan, cũng mất tiền gửi xe, tiền xăng…, mà taxi giá còn như vậy, tội gì không đi?”.

Những người có lựa chọn như Hương đang ngày càng nhiều lên ở Hà Nội, Tp.HCM, nơi dịch vụ GrabTaxi, Uber… đang được thử nghiệm, và điều này cũng đang khiến thị trường dịch vụ taxi sôi động hơn.

Khi xe chạy rỗng còn quá nhiều

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối khách hàng với người lái xe qua từng tuần, từng tháng, đang trở thành một xu hướng rất rõ rệt trong dịch vụ vận tải, đặc biệt là taxi ở các thành phố lớn, khi tỷ lệ người dùng sử dụng thiết bị di động và Internet ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng.

“Hiện nay, Việt Nam có 39,8 triệu người sử dụng Internet, 32 triệu người sử dụng Internet trên di động (tương đương với 34%) với mức tăng trưởng internet nhanh nhất châu Á (mức tăng trung bình 20%/năm), việc tận dụng dịch vụ kết nối taxi qua thiết bị di động là một cách làm khôn ngoan và phù hợp với xu hướng này”, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đánh giá.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh taxi truyền thống nói riêng và cả ngành giao thông vận tải nói chung, có thể thấy một trong những bất cập lớn nhất là tình trạng thiếu kênh thông tin giao tiếp giữa chủ phương tiện với chủ hàng hoặc hành khách, thiếu minh bạch về giá cước vận tải, công tác quản lý điều hành đơn vị kinh doanh vận tải còn thủ công, quy mô nhỏ, và đặc biệt là tỷ lệ chạy xe rỗng rất cao.

Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, tỷ lệ xe chạy rỗng hiện chiếm khoảng 30-50%.

“Hiện nay, việc cạnh tranh với các đồng nghiệp lái xe taxi rất gay gắt, có quá nhiều xe nên chúng tôi hay phải chạy xe lang thang trên đường đón khách. Mà thường xuyên nhận tin báo giả, nên xe chảy không tải nhiều”, Nguyễn Trung Anh, một lái xe hãng Taxi Mai Linh cho biết.

Không những thế, sự trì trệ trong đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là về giá cước, như trong các đợt giảm giá xăng, dầu trong các tháng đầu năm 2015 và các tháng  6-7-8/2015 đang khiến cho hình ảnh của nhiều hãng taxi truyền thống trở lên xấu đi với hành khách, kể cả những người quen sử dụng nhất.

Cho nên, việc ứng dụng kết nối hành khách với các hãng taxi như GrabTaxi, LiveTaxi, AdTOS, iMove..., theo đó, hành khách sẽ được hỗ trợ kết nối với các đơn vị vận tải taxi hoặc vận tải hàng hóa; trong đó đơn vị vận tải thu cước phí vận tải trực tiếp và sẽ chia sẻ một phần doanh thu cho đơn vị phát triển ứng dụng - như một cách thức trả phí vận hành sàn giao dịch dường như là một xu hướng không thể đảo ngược.

Nhiều người lái taxi đang có chung suy nghĩ như Trung Anh, rằng từ khi anh chuyển qua ứng dụng dịch vụ GrabTaxi, thời gian chạy xe không của anh trên đường giảm hẳn và thu nhập được cải thiện rõ rệt.

Mặc dù có những phản ứng ban đầu, nhưng lãnh đạo các hãng vận tải, taxi đã dần có những quan điểm tích cực hơn về dịch vụ kết nối khách hàng bằng công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nói: “Thị trường vận tải lâu nay chưa được lành mạnh lắm nên nếu tạo được, áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm được thì quá tốt. Nó tạo sân chơi bình đẳng, công khai, minh bạch và thúc đẩy các nhà vận tải phải cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới hạ giá cước. Nó cũng tạo cho khách hàng tiếp cận được những dịch vụ tiên tiến. Người dân, người sử dụng mong muốn được như thế”.

Nói về các phần mềm như GrabCar, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho cho biết: “Tôi biết đây là một phần mềm do Bộ Giao thông Vận tải ủy quyền cho một đơn vị thực hiện, có khả năng sau này để duy trì hoạt động sẽ thu mức phí nhất định, đây không phải cái lớn mà quan trọng là hiệu quả…”.

“Hiệu quả ở đây là ở vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách. Các quốc gia khác đều đã làm rồi nhưng Việt Nam chưa làm nên dẫn đến việc tốn phí, khách hàng không gặp được người vận chuyển. Đích cuối cùng là hai bên gặp nhau sẽ giải quyết được vấn đề”, ông Bình thừa nhận.

Ứng dụng ở 5 thành phố lớn

Một điều đáng chú ý là sau một chút lúng túng ban đầu, hiện nay, hầu hết các cơ quan hữu quan của Nhà nước: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… đều lên tiếng ủng hộ việc triển khai dịch vụ này.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế với các doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cũng cho rằng, dịch vụ GrabCar sẽ đem lại nhiều tiện ích cho xã hội.

“Tôi thấy cho phép triển khai ứng dụng này là rất cần thiết. Các xe thay vì cứ chạy long nhong trên đường, tốn xăng, gây khói bụi thì sẽ dễ dàng tìm đến hành khách hơn. Và nó cũng giúp khách hàng tìm được xe nhanh hơn, đi lại an toàn do thông tin về người lái xe, hành trình được lưu giữ trên hệ thống”, ông nói.
 
Cũng theo ông Phụng, việc cho phép ứng dụng trên sẽ mở ra môi trường cạnh tranh hơn giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ taxi, tạo sức ép nâng cao chất lượng dịch vụ. “Hãng nào kết nối tốt, thu hút được nhiều khách hàng, ổn định sẽ phát triển”.

Theo ông, hiện nay không còn khó khăn gì với việc tính thuế với các hãng taxi ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối khách hàng do ngành thuế đã có các quy định, thông tư chặt chẽ buộc các hãng kê khai đầy đủ doanh thu, chi phí… khi ứng dụng dịch vụ này.

Trong khi đó, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong thời gian tới, loại hình taxi thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với khách hàng sẽ là xu hướng nổi bật, tiết kiệm chi phí đầu tư cho các hãng xe.

"Tại sao Hà Nội có 17.000 xe taxi và Tp.HCM có 12.000 taxi, nhưng luôn có cảm giác cung không đủ cầu? Trong khi chúng tôi dự đoán nếu khai thác tốt thì Tp.HCM chỉ cần 10.000 xe. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm được số xe, hiệu suất sử dụng xe cao hơn. Thay vì xã hội phải bỏ ra 17.000 hay 20.000 xe thì chỉ cần đầu tư 10.000 - 12.000 xe", ông nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, vừa qua đã có một số thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin kết nối khách hàng với dịch vụ vận tải taxi này như là Uber, GrabTaxi. Tuy nhiên, theo ông ứng dụng này chưa được quản lý một cách chặt chẽ.

“Để thực hiện ứng dụng mới tốt hơn Bộ Giao thông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng dụng ở 5 thành phố lớn Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, và Quảng Ninh bằng hợp đồng. Trước đây chúng ta hợp đồng bằng giấy, bây giờ chúng ta hợp đồng trên điện thoại di động”, theo ông Trường.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Trường, những hợp đồng như vậy là bản thân phần mềm hỗ trợ người đặt hợp đồng cũng như là đơn vị vận chuyển đó sẽ thông qua điện thoại, ứng dụng, sẽ giúp cho hợp đồng đó một cách nhanh chóng và không cần phải kí tá như trước đây.

“Việc này tôi cho rằng rất tiện lợi cho hành khách cũng như cho đơn vị vận chuyển. Và sẽ ứng dụng ở 5 thành phố trước một năm, sau đó chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá và thực hiện trên tất cả tỉnh thành cả nước”, ông nói.