Hà Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G toàn tỉnh trong năm nay
Những năm qua, hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam liên tục được đầu tư phát triển với công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng, tốc độ cao, đồng bộ với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của tỉnh. Năm nay, Hà Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G toàn địa phương…

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đang hoạt động. Những năm qua, các doanh nghiệp đã triển khai phát triển hạ tầng viễn thông theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông của tỉnh và của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã phát triển được trên 900 vị trí trạm thu phát sóng di động (BTS); 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền internet cáp quang cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; trên 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Toàn tỉnh có số lượng người dùng internet truy nhập bằng thiết bị di động (smartphone) chiếm khoảng 80% dân số.
Trong năm 2025, Hà Nam sẽ triển khai các dự án mạng 5G tại 100% các huyện, thị xã, thành phố, trong đó chú trọng các khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, du lịch. Hiện, một số doanh nghiệp viễn thông lớn đang triển khai phủ sóng mạng 5G tại trung tâm thành phố Phủ Lý và huyện Lý Nhân.
Với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh Hà Nam đã xuất sắc lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế số. Kết quả này một phần nhờ vào nỗ lực hoàn thiện hạ tầng viễn thông bảo đảm kết nối thông suốt.
Cùng với đó, tỉnh tiên phong trong việc số hóa các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các chính sách thuế điện tử đối với 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử…
Năm 2025, Hà Nam xác định mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số. Cụ thể, trong phát triển kinh tế số: tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt tối thiểu 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.
100% trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; 95% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thực hiện triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế…