Hà Nội: 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1614/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Trong đó có Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Thiền Quang…
Theo Danh mục được phê duyệt, địa phương có số lượng hồ ao, đầm nhiều nhất là các huyện Quốc Oai: 276, Thanh Oai 275, Thường Tín: 239, Đan Phượng: 210, Phú Xuyên: 201, Mỹ Đức: 207, Mê Linh: 181, Phúc Thọ: 178, Đông Anh: 156, Hoài Đức: 126, Thạch Thất: 151…
Các địa phương có số lượng hồ, ao, đầm ít hơn gồm các quận Thanh Xuân: 9, Hai Bà Trưng: 9, Ba Đình: 11, Đống Đa: 15, Tây Hồ: 18, Cầu Giấy: 29... Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm chỉ có 1 Hồ Hoàn Kiếm ở vị trí số 6 phường Hàng Bạc, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Đào, với diện tích 114.392,6 m2, là hồ tự nhiên, không kết hợp công trình vui chơi, giải trí.
UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục này đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã và trên những phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.
Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp xem xét, đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án, với Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả (nếu có); tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét đồng thời trong quá trình phê duyệt đồ án.
UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thông báo, phổ biến nội dung Quyết định này đến UBND xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thuộc Danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn, để biết và triển khai thực hiện.
Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt, để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích.
Tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, UBND TP.Hà Nội đề nghị cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm và cần sử dụng đúng mục đích.
Việc UBND TP.Hà Nội ban hành Danh mục nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3129/BTNMT-TNN ngày 10/6/2021 gửi UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các Sở, ban ngành khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phê duyệt, công bố. Tuy nhiên đến tháng 3/2022 mới chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng ở một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan… diễn ra ngày càng phổ biến.
Với thực tế trên, ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch… còn dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt. Vì vậy để đẩy mạnh công tác này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện những nội dung được yêu cầu.