13:57 02/02/2024

Hà Nội bổ sung 4 trung tâm mua sắm trong giai đoạn 2024 - 2026

Thanh Xuân

Thị trường bán lẻ Hà Nội trong giai đoạn 2024 đến 2026 tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển, khi 4 trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ được bổ sung vào nguồn cung…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các yếu tố về đa dạng nguồn cung, cạnh tranh từ những thương hiệu, và sự tham gia của nhiều nhãn hàng quốc tế đang thúc đẩy thị trường bán lẻ tại Hà Nội phát triển.

Số liệu báo cáo thị trường quý 4/2023 do Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, kể từ năm 2019, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội vẫn giữ ổn định, trung tâm mua sắm tăng 2%/năm và khối đế bán lẻ ghi nhận mức tăng cao nhất với trung bình 7%/năm. Riêng quý 4/2023, tổng nguồn cung bán lẻ đạt 1,78 triệu m2, trong đó, các trung tâm mua sắm chiếm 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,1 triệu m2. Ngoài ra, công suất thuê bán lẻ quý 4/2023 cũng tăng 2% theo quý, đạt 88%. Trong đó, khối đế bán lẻ có mức tăng công suất 4 điểm %, tiếp sau là trung tâm mua sắm với mức tăng 2 điểm %.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, đánh giá năm vừa qua thị trường Hà Nội đã chứng kiến những diễn biến sôi động, khi nguồn cung mặt bằng bán lẻ được tăng thêm bởi trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hà Nội, và sự trở lại thị trường của The LOOP by Takashimaya. Không những vậy, dự báo thị trường giai đoạn 2024 đến 2026 sẽ tiếp tục còn nhiều cơ hội phát triển hơn nữa, khi 4 trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ được bổ sung vào nguồn cung.

Theo vị Giám đốc, tại Hà Nội, vị trí đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thuê của các nhãn hàng. Với sự phân hóa của từng khu vực, mỗi nơi có thể mang đến những đặc thù riêng phục vụ cho nhu cầu đa dạng của nhãn hàng.

Trong đó, khu vực Hoàn Kiếm, với vị thế là trung tâm lịch sử, văn hóa của Hà Nội đã thu hút lượng lớn công chức, du khách cùng người dân địa phương. Khu vực này thường tập trung các cơ quan chính phủ, sứ quán và trụ sở của các công ty đa quốc gia, nên vẫn giữ vững sức hút của mình, đặc biệt là với nhãn hàng cao cấp. Bởi thực tế, ngoài những thương hiệu hiện hữu, một số thương hiệu từ cao cấp đến xa xỉ khác trên thế giới đang rất quan tâm đến khu vực này, và mong muốn tìm kiếm mặt bằng phù hợp cho nhãn hàng của họ.

Tuy nhiên, trung tâm thương mại cũng đang cho thấy là mô hình bán lẻ được đông đảo khách thuê quan tâm, đặc biệt với mặt bằng chất lượng cao, đầy đủ pháp lý, đảm bảo quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, tổ chức bài bản. “Điểm mấu chốt cho sự thành công của các trung tâm thương mại hiện nay nằm ở việc kết hợp các phân khu khách thuê khoa học, các nhãn hàng bán mua sắm và giải trí, cũng như dịch vụ ăn uống. Khách hàng ngày nay không chỉ tìm kiếm nơi mua sắm, mà còn muốn trải nghiệm tổng hợp nhiều hoạt động giải trí và ẩm thực”, chuyên gia khẳng định.

Cũng theo vị này, thị trường bán lẻ thời gian tới sẽ được định hình bởi yếu tố: tăng chi tiêu cho dịch vụ, hướng tới các cửa hàng có tính bền vững và thân thiện môi trường, cùng việc tập trung cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Đặc biệt, trong tương lai, thị trường bán lẻ hứa hẹn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ẩm thực và dịch vụ (F&B). Các nhà bán lẻ giải trí rạp chiếu phim và khu vui chơi dự báo thu hút được lượng lớn khách hàng.

Đặc biệt, hình thức kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến thông qua chiến lược bán lẻ đa kênh ngày càng trở nên phổ biến, mang đến trải nghiệm mua sắm linh hoạt và tiện lợi cho khách hàng. Các nhà bán đang lẻ cố gắng tạo ra không gian mua sắm độc đáo cùng trải nghiệm mới, biến điểm bán lẻ thành điểm đến sáng tạo, hấp dẫn. Điều này chắc chắn giúp tăng sức cạnh tranh của thị trường bán lẻ.