Hà Nội dứt khoát không còn cảnh xếp hàng thâu đêm đăng ký học
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Sở giáo dục đào tạo Hà Nội, sáng 16/8.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được một số thành tích nổi bật như: Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Trên phương diện giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm học trước.
Trên phương diện giáo dục mũi nhọn học sinh Thủ đô đạt 8 giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 Học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V do Bộ tổ chức.
Bộ trưởng đề nghị ngành Giáo dục Thủ đô cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Trong đó, quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành Giáo dục đã đề ra. Tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình và đặc biệt năm nay là năm trọng tâm của quá trình triển khai Chương trình với khối lượng công việc lớn.
Tiếp tục triển khai các lớp theo đã thực hiện theo chương trình mới, triển khai mới với các lớp 4,8,11, chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cùng 5,9,12; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh trong năm học mới, đề nghị thành phố cố gắng trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước, theo Bộ trưởng, đây là việc không nên.
Ngành Giáo dục Thủ đô cũng cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục. Tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt - việc tốt.
Riêng về công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, Bộ trưởng chia sẻ, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhà trường đã làm tốt nhưng chưa biểu dương để làm mẫu, điển hình cho các trường học, địa phương học tập và làm theo. Do đó, mong trong năm học mới Hà Nội sẽ làm được việc này và đây cũng là đặt hàng của Bộ với ngành Giáo dục Thủ đô.
Giám đốc Sở giáo dục đào Hà Nội, ông Trần Thế Cương cho biết năm học 2022-2023, ngành giáo dục Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của Sở đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn. Ngành đã chủ động tham mưu UBND Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.
Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm.
Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Sự chuyển biến tích cực của ngành giáo dục trong năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến các Phòng giáo dục và các nhà trường.