Hà Nội sắp xây hầm chui thứ 6, xoá "điểm đen" ùn tắc tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy
UBND TP. Hà Nội dự định xây dựng hầm chui thứ 6 tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy với tổng mức đầu tư khoảng 500 - 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2023 - 2024...
UBND TP. Hà Nội vừa giao các đơn vị có liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (Vành đai 2) phía quận Long Biên nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông xe.
DÀNH TỪ 500 - 700 TỶ ĐỒNG XÂY HẦM CHUI DÀI 500 MÉT
Hầm chui được lên phương án để xây dựng tại vị trí nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy là hầm trực thông. Tổng mức đầu tư dự án được tính toán khoảng từ 500 - 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2023 - 2024.
Hầm được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy - Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín; hầm hở; tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm.
Hồ sơ và thông số thiết kế hầm và chức năng sử dụng được yêu cầu như các hầm chui đã đưa vào sử dụng như: Lê Văn Lương, Trung Hòa, Thanh Xuân.
Chiều dài hầm được tính toán dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75m, tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường. Tổng mức đầu tư dự án được tính toán khoảng từ 500 - 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2023 - 2024.
Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng đường gồm: cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Liên quan đến tiến độ cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội, cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc.
Hiện tại, nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục còn lại như thảm mặt đường, lắp hệ thống chiếu sáng, thử tải cầu, tổ chức giao thông, sơn kẻ vạch…
Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành dự án vào dịp 2/9, tuy nhiên sau đó còn các công tác nghiệm thu, kiểm tra chất lượng công trình từ các bộ, ngành. Dự kiến, cuối tháng 8, chủ đầu tư sẽ xin phép UBND thành phố để thông xe công trình trọng điểm vào dịp 10/10.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu Km 0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối Km 4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu là 19,25m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không là 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85m.
Như vậy, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến thông xe vào ngày 10/10/2023.
CẤP TẬP XÂY HẦM CHUI XOÁ "ĐIỂM ĐEN" ÙN TẮC
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đang có tổng cộng 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng và một hầm chui đang xây dựng. Cụ thể, 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn gồm: Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương.
Gần đây nhất, hầm chui Lê Văn Lương với vốn đầu tư 700 tỷ đồng bắt đầu thông xe, góp phần giảm ùn tắc tại nút giao với vành đai 3 được khánh thành đưa vào sử dụng từ đầu tháng 10/2022. Tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 500 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thi công 18 tháng. Tổng chiều dài hầm là 475m, trong đó hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380m (mỗi bên dài 190m). Có hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, lưu thông mỗi chiều 2 làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m.
Một hầm đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng, với tổng giá trị phê duyệt gần 800 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách thành phố. Công trình có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 780 m, trong đó phần hầm kín dài 140 m và hầm hở dài 320 m. Hầm kín sẽ cắt qua đường Giải Phóng và hệ thống đường sắt nhằm tránh xung đột giao thông đồng mức cho trục vành đai 2,5. Đoạn ngoài hầm mỗi chiều 3 làn xe.
Dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng được xác định là công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025. Dự án nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông và từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt duyệt.