07:02 03/02/2025

Hà Thành tưng bừng mở hội du xuân

Chu Khôi

Hằng năm, Thủ đô có đến 1.050 lễ hội, chiếm 1/8 trong tổng số các lễ hội trên cả nước. Trong đó, hàng loạt lễ hội lớn diễn ra trong các ngày từ mồng 5 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, mở màn cho hoạt động du xuân tưng bừng rộn rã, đồng thời tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc: Quang Trung, Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Thánh Gióng…

Biểu diễn võ thuật Bình Định tại lễ hội Đống Đa - Hà Nội vào sáng 2/2/2025 (tức mồng 5 tháng Giêng Xuân Ất Tỵ). Ảnh: Chu Khôi.
Biểu diễn võ thuật Bình Định tại lễ hội Đống Đa - Hà Nội vào sáng 2/2/2025 (tức mồng 5 tháng Giêng Xuân Ất Tỵ). Ảnh: Chu Khôi.

Từ sáng 2/2/2025, tức mồng 5 tháng Giêng, năm Ất Tỵ, hàng nghìn khách thập phương và người dân Hà Nội đã tụ hội đông đảo về Khu di tích Gò Đống Đa (quận Đống Đa) để theo dõi các hoạt động dâng hương tại Đền thờ Quang Trung; xem múa rồng, biểu diễn võ thuật trước tượng đại Quang Trung – Nguyễn Huệ, tham gia các trò chơi dân gian…

 LỄ HỘI ĐỐNG ĐA DIỄN RA TRONG 3 NGÀY

Tết Kỷ Dậu (1789) đi vào lịch sử dân tộc, là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc và nghệ thuật quân sự của dân tộc ta.

Nhìn lại lịch sử, vào cuối năm Mậu Thân (1788), 29 vạn quân Thanh đã tràn vào chiếm giữ kinh thành Thăng Long. Đến mờ sáng mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789), đại quân Tây Sơn đã mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa và giải phóng kinh thành Thăng Long; đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh, tạo nên chiến thắng hiển hách, vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Những lời hịch của vua Quang Trung còn văng vẳng núi sông muôn đời như khẳng định chủ quyền dân tộc bền vững: "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Múa rồng tại lễ hội Đống Đa, sáng 3/2/2025, tức mồng 5 tháng Giêng Ất Tỵ.
Múa rồng tại lễ hội Đống Đa, sáng 3/2/2025, tức mồng 5 tháng Giêng Ất Tỵ.

Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4/2/2025 (tức từ ngày mồng 5 - 7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ). Trong những ngày diễn ra Lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa lân, múa rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...

Khác với mọi năm lễ khai hội thường diễn ra vào buổi sáng mồng 5 tháng Giêng âm lịch, nhưng năm nay lần đầu tiên lễ khai hội được tổ chức vào buổi tối mồng 5 tháng Giêng tại Công viên văn hóa Đống Đa. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại.

Trò chơi đánh cờ người tại Lễ hội Đống Đa Xuân Ất Tỵ. Ảnh: Chu Khôi.
Trò chơi đánh cờ người tại Lễ hội Đống Đa Xuân Ất Tỵ. Ảnh: Chu Khôi.

Tại Lễ khai hội, nhân dân và du khách được trải nghiệm như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên; có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút; có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.

Thay vì cách thưởng thức các tiết mục đơn thuần như trước đây, khán giả sẽ cùng được tham gia vào lễ hội, trở thành một phần của lễ hội. Khán giả như được tận mắt nhìn thấy người anh hùng áo vải Quang Trung đứng trên lưng voi, áo bào lồng lộng, mặt sạm đen vì khói súng cũng như niềm vui của người dân Thăng Long và binh lính trong trận đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu ấy.

Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG NHIỀU ĐỔI MỚI

Lễ hội du lịch chùa Hương 2025 với chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” sẽ chính thức khai hội vào sáng 3/2/2025, tức mồng 6 tháng Giêng xuân Ất Tỵ.

Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách. Theo UBND huyện Mỹ Đức, Ban tổ chức phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ.

UBND huyện Mỹ Đức cho biết hơn 3.700 thuyền đò của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Hương Sơn đã được sửa sang, sơn bằng màu xanh, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí... Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò được bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng đến 20 giờ tối hàng ngày.

Từ ngày 1/1/2025, giá vé tích hợp phí tham quan và dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò tuyến Hương Tích đối với người lớn là 230.000 đồng, trẻ em là 65.000 đồng. Đối với dịch vụ vận chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích vé khứ hồi là 260.000 đồng đối với người lớn, 180.000 đồng đối với trẻ em và người được ưu tiên. Giá đi một lượt là 180.000 đồng đối với người lớn, 120.000 đồng đối với trẻ em và người ưu tiên. Giá vé vận chuyển bằng xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò là 20.000 đồng/người/lượt. Giá vé trông coi phương tiện đối với xe ô tô vận chuyển khách dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 50.000 đồng/lượt, nếu gửi qua đêm sẽ thu thêm 20.000 đồng/xe.

Một điểm mới nổi bật của Lễ hội chùa Hương năm 2025 là tuyến cáp treo kết nối giữa khu vực chùa Hương (Hà Nội), chùa Tiên (Hòa Bình) (tuyến cáp treo Hương Bình) đã khánh thành, đi vào hoạt động nối liền hai địa danh chùa Hương và chùa Tiên (nối xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội và xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) góp phần rút ngắn thời gian di chuyển và tạo thuận lợi cho người dân, du khách hành hương giữa hai vùng lễ hội, giúp giảm ách tắc giao thông, góp phần thúc đẩy kết nối về văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam và vùng lân cận.

NHIỀU LỄ HỘI LỚN THU HÚT DU KHÁCH

Cùng với Lễ hội chùa Hương diễn ra suốt 4 tháng mùa Xuân, hàng loạt lễ hội lớn khác của thành phố Hà Nội diễn ra trong các ngày từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đó là Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội Đền Sóc, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng…

Lễ kỷ niệm 1.985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025 sẽ diễn ra vào sáng 3/2/2025 (tức mồng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội. Lễ hội sẽ diễn ra đến hết ngày 7/2/2025 (tức hết mồng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025), kéo dài thêm 2 ngày so với lễ hội truyền thông thường kết thúc vào ngày 8 tháng Giêng.

Nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm tại lễ hội Đống Đa xuân Ất Tỵ. Ảnh CK.
Nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm tại lễ hội Đống Đa xuân Ất Tỵ. Ảnh CK.

Lễ kỷ niệm 1.985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng sẽ có nhiều hoạt động: Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.

Trước đó, từ ngày 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về Đình làng (đình Hạ Lôi). Từ trong sân Đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (với ý nghĩa: Nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần). Việc đổi vị trí kiệu gọi là "giao kiệu". Khi đoàn rước kiệu về đến cổng Đền, kiệu bà Trưng Nhị dừng lại để kiệu bà Trưng Trắc vào sân Đền trước (giao kiệu). Việc "giao kiệu" trong lễ rước kiệu là một nghi thức độc đáo, đặc sắc chỉ riêng có tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.

Đáng chú ý, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức vào sáng 3/2/2025 (mùng 6 tháng Giêng Âm lịch), mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa, tôn vinh mảnh đất Mê Linh – nơi khởi nguồn cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Lễ hội Đống Đa xuân Ất Tỵ. Ảnh: Chu Khôi.
Lễ hội Đống Đa xuân Ất Tỵ. Ảnh: Chu Khôi.

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 3 - 5/2/2025 (tức mồng 6 - 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Sáng 3/2/2025 (tức mùng 6 tháng Giêng Ất Tỵ), lễ hội Gióng sẽ chính thức được khai mạc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội).

Đây là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, mùa lễ hội năm nào Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc cũng thu hút hàng chục vạn người dân, phật tử từ khắp nơi tụ hội. Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong “tứ bất tử” theo truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, lễ hội Gióng đền Sóc còn rất nổi tiếng với nghi thức cung tiến 8 lễ vật truyền thống dâng Đức Thánh. Các lễ vật này gồm: trầu cau, cầu húc, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ, ngựa sắt, voi chiến và đặc biệt là giò hoa tre.