15:51 07/09/2022

Hải phòng đối thoại với 12 hộ dân nuôi ngao trước ngày cưỡng chế

Trương Quốc Cường

Nỗ lực tìm đồng thuận cùng người dân trước khi buộc phải tổ chức cưỡng chế, chiều 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cùng các đơn vị liên quan, đã tổ chức đối thoại lần cuối với 12 hộ dân nuôi ngao tự phát trên địa bàn quận Hải An...

UBND thành phố Hải Phòng tổ chức đối thoại với các hộ dân nuôi ngao
UBND thành phố Hải Phòng tổ chức đối thoại với các hộ dân nuôi ngao

Trước đó một ngày, vào chiều 5/9 tại cuộc họp giao ban báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân khẳng định với tất cả các cơ quan truyền thông trên địa bàn Hải Phòng, nếu 12 hộ dân nuôi ngao tự phát nêu trên không chấp hành di dời, lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế theo quy định của pháp luật vào ngày 8/9/2022

NUÔI NGAO TỰ PHÁT HAY ĐƯỢC PHÉP?

Lật lại lịch sự vụ việc từ những năm trước, theo kiến nghị kêu cứu của nhiều hộ dân tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), hoạt động nuôi ngao của bà con nông dân tại đây đã diễn ra từ lâu. Nhiều hộ đã có đơn đề nghị nuôi ngao, có đề án phát triển nuôi ngao được chính quyền địa phương xác nhận và tổ chức ký hợp đồng cho thuê đất, mặt nước để dựng chòi, quây cọc nuôi thả ngao từ hơn 10 năm qua.

Thời kỳ đầu còn có cán bộ của Bộ Thủy sản cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) xuống tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư về nuôi ngao và bà con đã bỏ rất nhiều công sức, tài chính để khai hoang bãi triều, phun cát lên tạo môi trường cho ngao sống và sinh trưởng…

Trong giai đoạn 2010 - 2011, chính quyền các địa phương đã có rất nhiều tờ trình về việc xin cấp giấy phép nuôi ngao. Vì thế, bà con nông dân ở đây lập luận rằng không thể nói là người dân nuôi ngao tự phát được…

Trả lời cho những kiến nghị như trên, theo khẳng định và dẫn chứng mới đây nhất của UBND TP. Hải Phòng, các hộ dân nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát, ban đầu các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ.

Cụ thể, Năm 2011, UBND xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) rà soát chỉ có khoảng 32 hộ nuôi ngao với diện tích 147 ha. Sau đó, các hộ dân đã tự mở rộng diện tích, lấn ra phía ngoài biển, chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được thành phố giao, cho thuê khai thác cát.

Hiện nay, khu vực ven biển tại quận Hải An có 28 hộ nuôi ngao (diện tích 726 ha) và huyện Kiến Thụy có 89 hộ nuôi trồng (diện tích 2.557ha). Không chỉ người địa phương, còn có nhiều hộ trú tại các tỉnh khác như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... cũng nuôi ngao tại đây.

Qua rà soát cho thấy, tất cả các hộ nuôi ngao trên khu vực này đều không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển.

Vi phạm các quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo quy định tại Điều 38, 39 và 44 Luật Thuỷ sản năm 2017 và Điều 37 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ, Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Trên cơ sở đó, UBND TP Hải Phòng kết luận, việc các hộ dân tiến hành nuôi ngao tự phát là vi phạm các quy định pháp luật về nông nghiệp. Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biển do thành phố quản lý, UBND Thành phố đã ban hành Văn bản số 6761/UBND-KS ngày 22/9/2021 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời. Do đó, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hải An và huyện Kiến Thụy thiết lập các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm.

MẤT AN NINH TRẬT TỰ TẠI KHU VỰC NUÔI NGAO TỰ PHÁT

Về thực trạng cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát trên khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thụy, hiện UBND thành phố đã cấp phép khai thác khoáng sản cát đối với 16 tổ chức cá nhân. Việc cấp các Giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp đều đảm bảo quy định của Luật Khoáng sản; việc cho thuê mặt nước, đất có mặt nước, giao khu vực biển đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo.

Chủ tịch UBND quận Hải An (Hải Phòng) Dương Đình Ổn cho biết, tại khu vực biển thuộc quận Hải An, hiện đang triển khai hàng loạt các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội lớn của đất nước và thành phố như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, xây dựng tuyến đê biển Tràng Cát… nên nhu cầu khai thác tài nguyên khoáng sản là cần thiết và cũng đã được cấp phép.

Việc một số hộ dân tự phát tổ chức cắm cọc, dựng chòi và khoang vùng nuôi ngao tại khu vực này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cùng với đó, trên các bãi triều nơi các hộ dân tổ chức nuôi ngao trái phép này thường xuyên xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, cũng như thu hẹp ngư trường truyền thống, cản trở việc đánh bắt thủy sản hợp pháp truyền thống của bà con ngư dân địa phương.

Các mâu thuẫn, tranh chấp trên có nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực, làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thu hút đầu tư của Thành phố và hình ảnh của người dân quận Hải An, huyện Kiến Thụy. Ngoài ra, việc nuôi ngao trái phép tại một số nơi đã làm cản trở việc đi lại của các tàu thuyền và công tác khảo sát, thăm dò, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển...

Trên thực tế, suốt thời gian qua, với sự chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng quận Hải An đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tuyên truyền, vận động 17 hộ dân nuôi ngao trái phép trong diện tích 161 ha đất thuộc Dự án xây dựng Khu công nghiệp DEEP C 2A của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng thuê từ năm 2012 theo đúng quy định pháp luật, được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Các hộ đã thu hoạch ngao và hoàn trả lại mặt bằng cho doanh nghiệp quản lý.

Tuy nhiên, theo rà soát của quận Hải An, hiện trên khu vực biển trên địa bàn vẫn còn 28 hộ nuôi ngao không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Trong số đó, có 17 hộ nuôi ngao là người địa phương, sau khi tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 15 hộ dân tự giác thu hoạch ngao, tháo dỡ chòi canh, nhổ cọc cắm khoang vùng, trả lại mặt bằng bãi triều. Với 13 hộ còn lại (sản lượng ngao hiện khoảng 35.000 tấn), UBND quận Hải An sẽ tổ chức cưỡng chế vào ngày 08/9 tới đây.

NỖ LỰC TÌM TIẾNG NÓI CHUNG

Trong một nỗ lực cuối cùng tìm đồng thuận cùng người dân, sát ngày tổ chức cưỡng chế, Chiều qua 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng thêm một lần cùng các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan làm việc với 12 hộ dân nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An.

Đặc biệt, buổi làm việc còn có sự tham gia của các cơ quan Trung ương gồm: Thanh tra Chính phủ; Ban Tiếp công dân Trung ương; Cục An ninh nội địa, Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tại cuộc làm việc, một lần nữa đại diện các hộ dân được khiếu nại và kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất nuôi ngao, xác minh, trả lời việc UBND các phường Đông Hải 2, phường Tràng Cát đã xác nhận cho các hộ dân nuôi ngao có giá trị hay không; việc thu hồi đất đúng hay sai quy định; việc UBND thành phố giải quyết đơn khiếu nại của công dân không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền; việc giao đất cho các doanh nghiệp khai thác cát…

Sau khi lắng nghe các kiến nghị của các hộ nuôi ngao và trả lời giải đáp của các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng, đại diện các cơ quan Trung ương tham dự cuộc họp đều cho rằng thành phố Hải Phòng đã rất cầu thị, chia sẻ để tổ chức cuộc họp này với đầy đủ thành phần theo như đề nghị của các hộ dân.

Tất cả câu hỏi của các hộ dân đưa ra đã được các cơ quan liên quan giải đáp khá rõ ràng và các hộ dân nên trao đổi đối thoại hiểu nhau, thấu tình đạt lý song phải đảm bảo các quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp… bên cạnh đó, việc khai thác cũng phải bảo đảm được nguồn tài nguyên của địa phương phục vụ phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, quá trình phát triển của thành phố trong từng mốc thời gian cụ thể, có những nội dung, vấn đề về quản lý, quy hoạch cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị bà con hợp tác vì sự phát triển chung của thành phố. Đối với chính quyền tiếp tục quan tâm đến quyền lợi của người dân và nên để bà con có thời gian tận thu ngao, đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ghi nhận những chia sẻ khách quan, trách nhiệm của các bộ, ngành. Đối với các hộ dân còn băn khăn, chưa thỏa mãn nội dung tại cuộc họp thì tiếp tục có ý kiến trao đổi với thành phố, địa phương, ngành liên quan bằng văn bản.

Đồng thời, UBND TP Hải Phòng một lần nữa khẳng định sẽ kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương, tăng cường quản lý về đất đai, tài nguyên, yêu cầu các hộ nuôi ngao tự phát tự nguyện di dời, tháo dỡ công trình vi phạm, Quận Hải An tiếp tục nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch đã xây dựng, nếu các hộ dân không chấp hành sẽ thực hiện cưỡng chế, trước mắt thành phố sẽ tạo điều kiện cho phép các hộ được thu hoạch ngao trong một khoảng thời điểm nhất định.