09:33 24/06/2023

Hải quan phát hiện hơn 19 kg nghi ketamin gửi từ Pháp qua đường hàng không

Ánh Tuyết

Ngày 23/6, Tổng cục Hải quan cho biết Cục Hải quan Hà Nội vừa chủ trì, phối hợp công an thành phố phát hiện hơn 19 kg tinh thể màu trắng, nghi là ketamin được vận chuyển qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam…

Cơ quan chức năng kiểm tra các hộp cacao và phát hiện các gói tinh thể màu trắng, nghi là ketamin.
Cơ quan chức năng kiểm tra các hộp cacao và phát hiện các gói tinh thể màu trắng, nghi là ketamin.

Trước đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không về kho hàng không kéo dài, lực lượng hải quan phát hiện lô hàng nghi vấn chứa ma túy.

Tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, PC04, PC09 (Công an TP. Hà Nội) kiểm tra hai thùng hàng có tổng trọng lượng khoảng 30 kg từ Pháp gửi về Việt Nam bằng đường hàng không.

Kết quả, các lực lượng chức năng phát hiện trong mỗi thùng hàng có 10 hộp màu vàng. Trong mỗi hộp có 1 túi nylon chứa tinh thể màu trắng nghi là ketamin, tổng trọng lượng hơn 19 kg.

Số tang vật bị lực lượng chức năng phát hiện trong hai kiện hàng từ Pháp về Việt Nam.
Số tang vật bị lực lượng chức năng phát hiện trong hai kiện hàng từ Pháp về Việt Nam.

Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển, đặc biệt là tuyến hàng không.

Cụ thể, tuyến hàng không là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.

Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan và các chính sách quản lý liên quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ.

Các vụ việc về ma túy do cơ quan hải quan bắt giữ qua tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Lào gồm: Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Trị, Quảng Ngãi và các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Campuchia như: Tây Ninh, Bình Phước, An Giang.

Tuyến đường biển cũng được đánh giá là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh.

Trước tình hình đó, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đồng thời, chỉ đạo các cục hải quan địa phương triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn an ninh xã hội và phòng chống tội phạm đồng thời đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn.

Đặc biệt, triển khai "Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023", trong tháng 6, Tổng cục Hải quan triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, tập trung vào địa bàn “nóng”.

Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan giao lực lượng kiểm soát hải quan, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy và các chi cục hải quan cửa khẩu trong toàn ngành nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, thứ nhất, tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại địa điểm làm thủ tục hải quan để chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, tập trung trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.

"Đặc biệt, tập trung phối hợp xây dựng phương án đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy tại địa bàn “nóng” hiện nay là tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và một số địa bàn, cửa khẩu trọng điểm thuộc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào", Tổng cục Hải quan đề nghị. 

Thứ ba, tăng cường cập nhật, thu thập, phân tích, đánh giá thông tin về hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần…

Qua đó, xác định và có kế hoạch đánh giá, quản lý hiệu quả đối với các doanh nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp, nhà xưởng, khu công nghiệp, khu chế xuất trọng điểm trong địa bàn hoạt động hải quan; kịp thời nắm bắt và dự báo xu hướng, nguy cơ vi phạm; kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy trong nội địa.

 

Trong năm 2022, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 303 vụ/270 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 163 vụ. Tang vật thu được gồm: 165kg heroin và 20 bánh heroin; 162kg cần sa; 51kg thuốc phiện; ma túy tổng hợp 668kg và 6.624 viên...