Hàng không gặp khó, Vietjet Air tính kinh doanh thêm vàng bạc đá quý
Hội đồng quản trị Vietjet Air đề xuất bổ sung nhiều ngành nghề như bán lẻ đồng hồ, kính mắt, vàng, bạc, đá quý và bán đá quý, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ...
Vào ngày Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức trực tuyến tới đây (29/6), Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) trình Đại hội đồng cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó sửa đổi một số ngành nghề kinh doanh.
Cụ thể, nhằm cải thiện dịch vụ và triển khai một số hoạt động kinh doanh mới phù hợp với thực tế hoạt động, HĐQT đề xuất bổ sung ngành nghề như bán lẻ đồng hồ, kính mắt, vàng, bạc, đá quý và bán đá quý, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ. Đối với hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, ngoài đại lý bán vé máy bay, tàu hoả, tàu thuỷ, ôtô còn bổ sung dịch vụ giao nhận hàng hoá, logistics, thu, phát các chứng từ vận tải vận đơn.
HĐQT Vietjet cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch bổ sung thêm 35 ngành nghề như bán buôn thực phẩm, bán buôn đồ uống, buôn vải hàng may mặc, giày dép, bán lẻ lương thực thực phẩm đồ uống thuốc lá thuốc lào trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh tổng hợp; xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ, lập trang thông tin tổng hợp; nhiếp ảnh…
Đại hội đồng cổ đông uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định lựa chọn, đăng ký ngành nghề kinh doanh cụ thể gồm điều chỉnh, bổ sung ngành nghề chi tiết.
Kết quả hoạt động kinh doanh trong Quý 1/2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ đạt lần lượt 2.845 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 4.048 tỷ đồng và 123 tỷ đồng. Số lợi nhuận này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không.
Trong quý 1/2021, Vietjet đã vận chuyển được gần 3.6 triệu lượt khách trên toàn mạng bay, thực hiện hơn 21 nghìn chuyến bay, vận chuyển hơn 18 nghìn tấn hàng hoá. Doanh nghiệp dự báo thị trường quốc tế sẽ khơi sắc lại vào quý 4/2021.
Trong báo cáo về triển vọng doanh nghiệp, Chứng khoán VnDirect cho rằng, với dòng tiền 3.708 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ và chuyển nhượng dự án bất động sản ước tính thu về trong quý 2/2021, thanh khoản và sức khỏe tài chính của VJC sẽ được cải thiện, củng cố vị thế giúp doanh nghiệp vượt qua thời gian đại dịch và mở rộng quy mô đội bay trong thời gian sắp tới.
Trong trường hợp đường bay quốc tế của Việt Nam được mở lại như dự kiến vào cuối quý 3/2021, kỳ vọng lượng hành khách quốc tế bắt đầu hồi phục từ quý 4/2021 và tăng mạnh trong năm 2022 với sản lượng hành khách tăng trưởng 58,6% - 135,1% so với cùng kỳ trong năm 2021-2022, đóng góp phần lớn cho tăng trưởng tổng sản lượng hành khách ở mức 35,4%-22,1% so với cùng kỳ trong năm 2021-2022. Từ đó thúc đẩy sự phục hồi đối với kết quả kinh doanh của VJC từ năm 2022 trở đi.
Tuy nhiên, rủi ro mà VJC đang gặp phải là Covid 19 đang diến biễn phức tạp; xây dựng hạ tầng hàng không chậm hơn dự kiến. Giá nhiên liệu bay cao hơn dự kiến, từ đó đẩy chi phí vận hàng lên cao hơn. Hiện tại, giá dầu Brent đã tăng 41% lên khoảng 70 USD/thùng kể từ đầu năm 2021 do kinh tế toàn cầu phục hồi. Giá dầu được kỳ vọng sẽ phục hồi trên nền giá mới với giá dầu Brent trung bình đạt 67/70/73 USD trong năm 2021/2022/2023 khi nguồn cung dầu không tăng kịp tốc độ phục hồi nhu cầu dự kiến. Từ đó, giá nhiên liệu máy bay trung bình ước tính đạt 1,69/1,77/1,84 USD/gallon trong năm 2021/2022/2023.