10:52 26/09/2024

Hàng triệu người rút bảo hiểm một lần quay lại đóng tiếp để có lương hưu

Nhật Dương

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy hàng triệu người lao động sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, khi đi làm trở lại đã tiếp tục tham gia ở nơi khác để sau này hưởng lương hưu…

Nhiều lao động tiếp tục tham gia làm việc, quay lại đóng bảo hiểm xã hội để sau này hưởng chế độ. Ảnh minh họa: N.Dương.
Nhiều lao động tiếp tục tham gia làm việc, quay lại đóng bảo hiểm xã hội để sau này hưởng chế độ. Ảnh minh họa: N.Dương.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/8/2024 đã có gần 1,3 triệu người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, và đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đã quay lại tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 631.128 người.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, do tính chất công việc chịu áp lực, nhảy việc nhiều…

Nhiều lao động trẻ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần vì khó khăn trước mắt. Nhóm tuổi rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40, chiếm khoảng 78%.

Lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn, so với việc đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Hơn nữa, ở độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, chưa có tích luỹ, nên khi có nhu cầu về tài chính, họ sẽ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn...

Để hạn chế tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Người lao động đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, mà có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; (ii) Ra nước ngoài để định cư; (iii) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS.

(iv) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; (v) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

(vi) Đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Cũng theo Luật mới, người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia, thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn.

Đơn cử như khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn, do các chế độ đều tính theo thời gian đóng (ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,...).

Họ cũng được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn, thông qua việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Ngoài ra, trong thời gian hưởng lương hưu, người lao động được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế. Đồng thời, được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Mặt khác, người lao động còn có cơ hội được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.