16:51 09/09/2024

Người lao động nghỉ làm Nhà nước, chuyển sang khu vực tư nhân, tính lương hưu thế nào?

Phúc Minh

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực Nhà nước, vừa ở cả khu vực tư nhân, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian để làm căn cứ tính lương hưu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được thắc mắc về trường hợp của người lao động ở Hà Nội, đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2000 đến tháng 12/2013 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Sau đó, người này có đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ tháng 1/2014 đến nay. Vậy khi nghỉ hưu, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định như thế nào?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định hiện hành, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đối với người lao động, được áp dụng theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: 

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995, đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001, đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007, đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016, đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020, đến ngày 31/12/2024, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Với quy định hiện hành nêu trên, nếu đến khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà có thời gian từ tháng 1/2000 đến tháng 12/2013 đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, và từ tháng 1/2014 đến khi nghỉ việc đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì được áp dụng quy định trên để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, được tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm (từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2013).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến nội dung người lao động thắc mắc, để căn cứ diễn biến tiền lương thực tế đã tham gia bảo hiểm xã hội của bản thân, nhằm xác định việc tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện hưởng lương hưu sau này. 

Trường hợp cần giải thích cụ thể hơn, người lao động có thể liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất và cung cấp hồ sơ để được tư vấn, trả lời.