09:04 28/05/2023

Hiểm họa rình rập từ những “chuồng cọp” quây kín

Thanh Xuân

Sau nhiều sự việc đáng tiếc, người ta nhận ra hiểm họa xuất phát từ những ngôi nhà lắp đặt thêm lồng sắt (“chuồng cọp”) vẫn luôn hiện hữu. Chúng càng kiên cố bao nhiêu thì vô tình càng “bịt kín” đường thoát thân của gia chủ bấy nhiêu…

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà lắp đặt thêm "chuồng cọp" ở Hà Nội (Ảnh: PV).
Không khó để bắt gặp những ngôi nhà lắp đặt thêm "chuồng cọp" ở Hà Nội (Ảnh: PV).

Thật không khó để bắt gặp ở các khu chung cư, tập thể cũ hay các ngôi nhà cao tầng trong ngõ tại Hà Nội cơi nới thêm “chuồng cọp” nhằm chống trộm. Tuy nhiên, các “công trình” này đang gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Mới đây nhất, vào ngày 13/5/2023 đã xảy vụ cháy làm 4 người tử vong (có 3 trẻ em) tại số nhà 24 phố Thành Công, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Theo quan sát hiện trường, ngôi nhà xây dựng dạng ống, cao 3 tầng, 1 tum với kết cấu chính là bê tông cốt thép, tường xây gạch. Điều đáng nói, toàn bộ mặt trước và mặt tiếp giáp hai bên nhà hàng xóm đều được chủ hộ rào chắn kiên cố bằng hệ thống khung sắt, bịt kín phía trước giống dạng “chuồng cọp”. Do vậy, khi vụ việc xảy ra, dù người dân xung quanh có phát hiện tiếng kêu cứu nhưng đành bất lực nghe giọng nạn nhân mắc kẹt dần tắt lịm.

Ngôi nhà xảy ra vụ cháy được rào chắn kiên cố bằng khung sắt phía trước giống dạng “chuồng cọp” (Ảnh: PV).
Ngôi nhà xảy ra vụ cháy được rào chắn kiên cố bằng khung sắt phía trước giống dạng “chuồng cọp” (Ảnh: PV).

Vụ hỏa hoạn cho thấy, lối thoát an toàn nếu xảy ra cháy nổ chưa được một bộ phận người dân coi trọng, nhất là ở các nhà ống, tập thể cũ, chung cư khi bị bịt kín mặt trước. Thế nhưng thực tế đó lại không hiếm bởi qua khảo sát của phóng viên tại một số khu tập thể thuộc các phường Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh (quận Ba Đình); Kim Liên (quận Đống Đa); hoặc dãy nhà mặt phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Khuyến, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), các “chuồng cọp” do người dân tự chế thêm vẫn xuất hiện nhan nhản.

"Chuồng cọp" phổ biến trên nhiều tuyến phố (Ảnh: PV).
"Chuồng cọp" phổ biến trên nhiều tuyến phố (Ảnh: PV).

Theo TS. Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn kiến trúc, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, với những khu nhà cũ được xây dựng từ lâu thì chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy. Người dân hoàn toàn chữa cháy theo kiểu tự phát có gì dùng đó và ngược lại cũng không ai kiểm tra, kiểm soát hay quản lý phòng cháy chữa cháy.

“Các khu nhà này xây dựng trong bối cảnh đất nước còn khó khăn về kinh tế, xã hội tương đối nghèo nên thường xảy ra hiện tượng trộm cắp. Vì thế, người dân đã tự bảo vệ tài sản bằng cách lắp đặt thêm “chuồng cọp”. Hơn nữa, do thiếu thốn diện tích ở, khu “chuồng cọp” ngoài chức năng ngăn cản sự đột nhập từ bên ngoài còn mục đích cơi nới, giúp nhà tăng diện tích sử dụng.

Với nguyên nhân trên, “chuồng cọp” xem như một sản phẩm của lịch sử. Hiện nay, đã có những tiêu chuẩn mới về an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ an toàn tính mạng của con người nhưng thông thường, các tiêu chuẩn chỉ áp dụng cho nhà xây mới. Còn nhà chung cư cũ hoặc nhà trong ngõ, hầu như không thực hiện quy định này, dẫn đến “chuồng cọp” vẫn tồn tại và đương nhiên, an toàn về phòng chống cháy nổ bị hạn chế. “Không xảy ra sự cố thì thôi chứ nếu có hậu quả tương đối lớn. Bởi “chuồng cọp” chống đột nhập từ bên ngoài vào bên trong song ngược lại cũng khó thoát ra bên ngoài”, chuyên gia nhấn mạnh.

CẦN VẬN ĐỘNG NGƯỜI DÂN

TS.Trần Minh Tùng cho rằng khi triển khai lắp đặt thêm "chuồng cọp"  các giai đình đều coi là giải pháp hay nhưng khi xảy ra sự cố thì chính giải pháp này lại "lợi bất cập hại". Không ai mong muốn đám cháy xảy ra và không ai mong muốn bị trộm đột nhập. Nhưng ăn trộm chỉ thiệt hại về mặt vật chất còn cháy có thể thiệt hại cả người lẫn của. "Cho nên cần vận động người dân hiểu còn người là còn của, hay câu chuyện mất người mất của để họ dỡ dần “chuồng cọp”. Điều này không thể đưa vào quy định bắt buộc, bởi nhu cầu bảo vệ tài sản là nhu cầu chính đáng. Chỉ kêu gọi chứ không thể đưa ra pháp lý bắt người dân gỡ bỏ”, chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, ông Tùng lưu ý, phải dựa vào sự hỗ trợ của hàng xóm láng giềng vì khi một nhà xảy ra thì nhà xung quanh chắc chắn bị ảnh hưởng. Do đó, các khu phố cần liên kết với nhau trong phòng cháy chữa cháy. Nghĩa là nếu giữ lại “chuồng cọp” phải nghĩ ngay đến việc nhà nọ thoát được sang nhà kia để chạy ra bên ngoài. Mặt khác, với cấp độ khu dân cư, nhất thiết phải đẩy mạnh tính an toàn bằng hình thức như tổ dân cư tự quản nhằm tăng cường bám sát đối tượng ra vào khu dân cư một cách đáng ngờ. Nói cách khác là tăng cường an ninh vòng ngoài thay vì dùng lồng sắt chống đột nhập.

Chia sẻ thêm, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội thông tin, hiện nay, xu hướng phòng trộm mà quên phòng cháy diễn ra ở hầu khắp các dạng nhà trên địa bàn Thủ đô. Nhưng riêng nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất nên khi cháy, lối thoát đã bị khói, lửa chặn. Lúc này, phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là cắt dỡ lồng sắt mở đường cứu nạn.

Tuy nhiên trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thời gian cắt lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, trường hợp người dân trót xây dựng “chuồng cọp” chống trộm lưu ý bắt buộc phải có cửa thoát hiểm. Có thể dùng chìa khóa hoặc thiết kế khóa vân tay để bảo vệ an ninh, khi cần người dân vẫn có thể nhanh chóng mở cửa thoát thân.

Về giải pháp lâu dài, việc phổ biến kiến thức thoát nạn và phòng cháy là yếu tố then chốt cần thực hiện. Kiểm soát, cách ly nguồn nhiệt cũng phải được lực lượng cơ sở phổ biến rộng rãi hơn tới người dân. Bên cạnh đó, cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương hướng dẫn cho người dân kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy khi xảy ra hỏa hoạn; thậm chí, có thể có chế tài xử phạt trường hợp cố tình cơi nới để sử dụng, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ nói riêng và các nguy cơ khác nói chung.

 

Những năm qua, Hà Nội từng xảy ra một số vụ cháy xuất phát từ các ngôi lắp đặt thêm lồng sắt kiên cố, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, đáng tiếc nhất phải kể đến vụ cháy nhà 4 tầng ngõ 41, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng với tầng gác được lắp đặt “chuồng cọp” chắc chắn ngoài ban công, khiến 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương (năm 2017); vụ cháy nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, không gian tầng tum hàn kín xung quanh làm cả gia đình 4 người tử vong (năm 2021)…