21:06 17/06/2022

Hiến kế để phát triển đô thị bền vững

Phan Dương

Đô thị hoá ở Việt Nam thời gian gần đây diễn ra mạnh mẽ nhưng chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu. Từ đó, gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế…

Trước thực tế này, tại toạ đàm thuộc diễn đàn Phát triển đô thị bền vững diễn ra chiều 17/6, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, hiến kế để tạo dựng những đô thị thông minh, bền vững.

Phát biểu tại toạ đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, tới nay, Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước.

KHÔNG TUỲ TIỆN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

Tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện. Hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.

Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung, hằng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, nhất là những trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

“Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỉ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung của các đô thị lớn là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn. Tỉ lệ đất giao thông, đất cây xanh còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

“Các khu vực phát triển mới là cơ hội để chúng ta phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh". Do vậy, từ khâu quy hoạch tới quá trình triển khai xây dựng cần phải bảo đảm thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỉ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Nói về những giải pháp phát triển đô thị thông minh, bền vững, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ khoa học cũng như phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật để cung cấp luận cứ cho đổi mới toàn diện lý luận về quy hoạch và phát triển đô thị trong điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với các vùng, miền trên địa bàn cả nước.

Đồng thời, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch; chú ý về quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị. Đây là những vấn đề còn chưa được chú trọng trong thời gian qua.

XOÁ BỎ LỢI ÍCH NHÓM GẮN VỚI TƯ DUY NHIỆM KỲ

“Bộ Xây dựng và các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển độ thị thông qua các chương trình, đề án ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, cần sớm chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị theo chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 06. 

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế “xin-cho”, lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị…”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Một góc đô thị Hà Nội
Một góc đô thị Hà Nội

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Quá trình đô thị hóa nước ta trong nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về các nguồn lực đầu tư, trong khi áp lực rất lớn từ đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, chuyển hóa sản xuất, lối sống theo văn minh đô thị.

Đô thị đã trở thành giấc mơ của nhiều người dân, thúc đẩy dịch cư lớn, đồng thời, hình thành tư duy khai thác đô thị một cách tự phát, phát triển nóng theo nhu cầu trước mắt, thiếu chú trọng về đầu tư dài hạn. Nhiều nơi vẫn quan niệm đô thị là “nơi để khai thác”, để tìm kiếm cơ hội hơn là “nơi để đầu tư khai thác” theo bài bản, chuyên nghiệp, có chiến lược nhằm phát huy tiềm năng, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy kinh tế.

Với vai trò là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hình thành Khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa; Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, sửa đổi quy định phân loại đô thị;  Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cầu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch sử dụng đất theo các không gian kinh tế…

Với góc độ của doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch một khu vực đô thị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch tập đoàn BRG khuyến nghị: 4 yếu tố cấu thành đô thị thông minh, bền vững, gồm: tăng trưởng kinh tế; phát triển con người; ứng dụng và đổi mới công nghệ; quản lý tổ chức hiệu quả. Những yếu tố này cần được chú trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị VN nhìn nhận: muốn xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách làm quy hoạch … Người làm quy hoạch cũng phải hiểu biết về các lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh tế. Nguồn vốn nào để thực hiện quy hoạch cũng phải tính đến…