Hiểu đúng về 7 mũi tiêm vaccine Covid-19 do Bộ Y tế vừa ban hành
Một người có thể cần tiêm đến 7 mũi vaccine, đó là hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19...
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 43/QĐ-BYT, ngày 7/1/2022, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Kèm theo Quyết định này là mẫu giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 với tổng số mũi tiêm trên giấy xác nhận là 7 mũi, so với mẫu ban hành trước đây chỉ 2 mũi tiêm.
THẾ NÀO LÀ MŨI TIÊM: CƠ BẢN, BỔ SUNG VÀ NHẮC LẠI
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 quy định việc tiêm vaccne phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo công văn này, Bộ Y tế đã nhắc nhở các đơn vị tổ chức tiêm phòng ngừa Covid-19 với tên gọi các đợt tiêm gồm: tiêm mũi cơ bản, tiêm mũi bổ sung và tiêm mũi nhắc lại.
Mũi cơ bản: Tiêm cho tất cả mọi người có đủ điều kiện tiêm chủng, số mũi tiêm do nhà sản xuất vaccine quy định
Mũi bổ sung: Bổ sung sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản, dành cho một số đối tượng được chỉ định: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V. Thời gian tiêm bổ sung ít nhất sau 28 ngày hoàn thành tiêm cơ bản. Những đối tượng này sau khi tiêm bổ sung cũng coi như mới hoàn thành mũi tiêm cơ bản.
Mũi nhắc lại: Dành cho tất cả mọi người sau khi đã tiêm xong các mũi cơ bản. Tiêm 1 mũi sau 3 tháng để tăng cường miễn dịch. Một số nước đã tiêm mũi 2 nhắc lại, việc tiêm các mũi nhắc tiếp theo được triển khai khi có các thông tin khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước cũng như khuyến cáo của WHO.
Hiện nay tại Việt Nam tiêm nhắc là 1 mũi. Phần lớn người dân Việt Nam chỉ cần tiêm 3 mũi (2 mũi cơ bản + 1 mũi nhắc lại), một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vaccine thì tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản + 1 bổ sung + 1 mũi nhắc lại)
Quy định tiêm mũi cơ bản của các loại như sau: Vaccine AstraZeneca (2 mũi cách nhau từ 4 - 12 tuần); vaccine của Pfizer/BioNTech (2 mũi cách nhau 3 tuần); vaccine của Moderna (2 mũi cách nhau 4 tuần); vaccine Vero Cell (2 mũi cách nhau từ 3 - 4 tuần); Sputnik V (2 mũi cách nhau 3 tuần); Abdala (3 mũi, mỗi mũi cách nhau 2 tuần); vaccine của Johnson & Johnson's Janssen ( 1 mũi).
Vì thế, nếu liều cơ bản với 3 mũi tiêm (tùy loại vaccine), liều bổ sung 1 mũi tiêm và liều nhắc lại có thể cần tới 3 mũi tiêm (hiện đang khuyến cáo tiêm một mũi), tùy theo khuyến cáo của WHO mà người cao nhất có thể cần tới 7 mũi tiêm. Như vậy, so với mẫu cũ tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ghi hai mũi cơ bản thì mẫu xác nhận mới được bổ sung thành 7 mũi.
Theo TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, việc tiêm liều bổ sung, nhắc lại là rất cần thiết để làm tăng cường miễn dịch của cơ thể người được tiêm. Thời gian tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, loại vaccine được tiêm theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.
8 NGÀY CẢ NƯỚC TIÊM GẦN 10 TRIỆU LIỀU VACCINE
Đến sáng 9/1, Việt Nam đã tiêm chủng được 160.033.187 liều vaccine phòng Covid-19. Như vậy trong 8 ngày qua, cả nước đã tiêm được khoảng gần 10 triệu liều vaccine.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 99,8% và tiêm đủ liều cơ bản là 92,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 97,5% và 90,9%; miền Trung là 96,8% và 90%; Tây Nguyên là 98,3% và 86,7%; miền Nam là 100% và 92,6%...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam đã nằm trong những nước hàng đầu trên thế giới và về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Vaccine tạo điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết của Chính phủ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine. Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn cho công tác phòng, chống dịch. Năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các kinh nghiệm rút ra từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em để đến trường học trực tiếp.