10:23 19/01/2022

Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai

Đỗ Phong

Trong năm 2022 sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các nội dung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; các nội dung về sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị về các vấn đề lớn liên quan đến hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục quản lý đất đai được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh khi tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG SỐT GIÁ ĐẤT Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Ông Ngân đánh giá, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021, Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp không nhỏ góp phần vào thành công chung của Ngành tài nguyên và môi trường, nhất là việc hoàn thành và trình Quốc hội Quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; tích cực thực hiện các nhiệm vụ Tổng kết Nghị quyết 19/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh việc thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án góp phần rút ngắn đáng kể thời gian thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng để thực hiện các công trình, dự án.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai - Ảnh 1

Bên cạnh đó, Tổng cục đã kịp thời chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá đất để chấn chỉnh tình trạng giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng một cách đột biến gây hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư. Tổ chức thực hiện tốt việc xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất....

Thông tin thêm về những kết quả này, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ). Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp.

Đặc biệt đã chỉ đạo, chấn chỉnh các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thu hồi, hủy bỏ giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn các địa phương thực hiện đánh giá đầy đủ và toàn diện về tình hình hoạt động và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai.

TẬP TRUNG SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị Tổng cục tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương; các nội dung về sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị về các vấn đề lớn liên quan đến hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp ý các địa phương trong việc lập phương án phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh, tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025) quốc phòng, an ninh và cấp tỉnh.

Cùng với đó là tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để kịp thời đưa vào vận hành, khai thác sử dụng theo đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia”; Đề án “Kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế”.

Đồng thời triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; Đề án hoàn chỉnh việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận cho các huyện biên giới....

Năm 2022, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể: Hoàn thành các nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; hoàn thiện báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo tiến độ và chất lượng trình Chính phủ. Hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc áp dụng khung giá đất cho giai đoạn 2020- 2024.

 
Số liệu tổng hợp của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho thấy, nguồn thu về đất đai liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2013 là 63.681 tỷ đồng; năm 2014 là 69.580 tỷ đồng; năm 2015 là 102.045 tỷ đồng; năm 2016 là 145.801 tỷ đồng; năm 2017 là 185.957 tỷ đồng; năm 2018 là 217.699 tỷ đồng; năm 2019 là 232.689 tỷ đồng; năm 2020 là 254.854 tỷ đồng. Đến 21/12/2021, con số này đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, cao gấp 3,5 lần năm 2015.