14:34 27/05/2009

“Hơn 80% dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất đã đảo nợ”

Minh Thúy

Nhiều đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng đảo nợ khi thực hiện gói kích cầu của Chính phủ

Đại biểu Nguyễn Văn Ba: Không nên đầu tư vào những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được.
Đại biểu Nguyễn Văn Ba: Không nên đầu tư vào những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được.
Trưa 27/5, Quốc hội đã kết thúc hơn một ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội với 71 ý kiến phát biểu, và 17 đại biểu đã đăng ký nhưng hết thời gian.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các ý kiến thảo luận đều thể hiện trách nhiệm cao, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, làm rõ hơn, sâu sắc hơn nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề mới liên quan đến việc tổ chức thực hiện một số chủ trương giải pháp mới của Đảng và Nhà nước

"Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau sẽ gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội trước khi biểu quyết", Phó chủ tịch kết luận.

Phần thảo luận sáng nay vẫn sôi nổi với các ý kiến về kích cầu, đại biểu Mai Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng tác dụng của gói kích cầu còn hạn chế vì phần lớn các khoản tín dụng hỗ trợ lãi suất đảo nợ trở về ngân hàng. “Có đến hơn 80% dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất thực chất đã đảo nợ”, đại biểu Tuyết nói.

Kích cầu tiếp tục “nóng”

Những hạn chế về gói kích cầu của Chính phủ tiếp tục được các đại biểu “mổ xẻ” kỹ lưỡng.

Liên quan đến hiện tượng đảo nợ mà nhiều ý kiến trước đã đề cập, đại biểu Mai Ánh Tuyết phân tích, theo Ngân hàng Nhà nước dư nợ cho vay tín dụng lãi suất thấp đến thời điểm ngày 10/4 là hơn 200.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15 đến 17%. Tuy nhiên trong thực tế tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế từ đầu năm đến nay ước khoảng gần 3%. Điều này cho thấy phần lớn các khoản tín dụng hỗ trợ lãi suất đảo nợ trở về ngân hàng.

Theo bà Tuyết, như vậy, có đến hơn 80% dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất thực chất đã đảo nợ, dẫn đến tác động của gói kích cầu còn hạn chế, vì đảo nợ tuy có lợi cho người vay và ngân hàng nhưng không tạo thêm việc làm cho sản phẩm, không tạo thêm được sản phẩm hàng hóa và việc làm cho người lao động.

Đánh giá việc hỗ trợ còn tràn lan và cào bằng, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cho rằng như vậy chỉ tạm thời giữ lại và kéo dài sự sống căn bệnh trầm kha của nền kinh tế mà chưa bốc được đúng thuốc để có thể chữa được bệnh cho nó.

Vị đại biểu này lo ngại khi một lượng tài chính lớn hỗ trợ lãi suất lại được dùng để đưa vào khoản vay đáo hạn những khoản vay trước đó. “Tệ hại hơn còn việc đổ vào chứng khoán và bất động sản, đồng thời các gói hỗ trợ này cũng góp phần làm tăng nguy cơ lạm phát, việc mà chúng ta đang cố kiềm chế”, ông Ba nói.

Đại biểu Ba cũng bày tỏ đồng tình với nhiều đại biểu khác rằng cơ hội để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đón đầu và hiệu quả được thực hiện tốt nhất thông qua gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) kiến nghị cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp không những tái cơ cấu và thúc đẩy kinh doanh trong nước mà còn kinh doanh ở các nước ngoài.

Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị Chính phủ cần chuẩn bị ngay một giải pháp trung hạn tái cấu trúc nền kinh tế trên 5 nội dung, về nội bộ các ngành kinh tế,  về đầu tư,  thị trường, doanh nghiệp và tái cấu trúc về thể chế kinh tế.

Để nâng cao hiệu quả kích cầu, sự minh bạch, công khai là yếu tố được các đạc biểu  nhấn mạnh từ đầu đến cuối nội dung thảo luân.

Kích cầu vào nông thôn cũng là kiến nghị của nhiều đại biểu , vì cho đến nay số hộ nông dân thực hiện vốn vay chương trình kích cầu của Chính phủ thông qua hỗ trợ lãi suất chỉ chiếm khoảng 3% tổng số giải ngân.

“Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ có những giải pháp làm sao mục tiêu số 1 hiện nay là tạo công ăn việc làm và mục tiêu số 2 là tạo lòng tin cho người dân và doanh nghiệp bỏ tiền, bỏ công sức, tài sản trong lúc như thế này cùng với Chính phủ, cùng với đất nước vượt qua khó khăn”, đại biểu Việt nói.

Cảnh báo nguy cơ “trì lạm”
 
Điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách, chỉ số giá tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu…cũng là nội dung được các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất “để Chính phủ chắc tay điều hành” thì việc điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản là cần thiết. Tuy nhiên, như đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) than phiền nhiều lần đã phải điều chỉnh xuất phát từ việc dự báo không chính xác. Do vậy, Chính phủ phải trình bày, giải trình một cách thuyết phục để khi Quốc hội biểu quyết sát với tình hình chung.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cảnh báo, trong điều kiện nếu kinh tế chỉ tăng trưởng 4-5% thì sẽ rơi vào tình trạng trì lạm, tức là vừa trì trệ vừa lạm phát. Đây là một hiện tượng cực kỳ khó trị vì nó vô hiệu hóa tất cả các công cụ, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Do đó , ông đề nghị phải quyết liệt điều chỉnh chỉ tiêu CPI dưới 10% và kiểm soát cho được bình quân năm 2009 không thể để mức tăng giá bình quân mỗi tháng 0,7%. Đây là một điều kiện rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng trì lạm của nền kinh tế.  Kiềm chế lạm phát dưới 2 con số cũng là đề nghị của nhiều vị đại biểu khác.

Vấn đề bội chi ngân sách, nhiều đại biểu đề nghị không thể quá 7% GDP. Theo quan điểm của đại biểu Lịch thì vấn đề lớn nhất là phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. “Tôi ủng hộ việc tăng nhưng mà tăng bội chi có điều kiện’ ông phát biểu.

Ông kiến nghị Quốc hội thông qua bội chi ngân sách phải kèm theo những điều kiện chi vào cái gì, đúng mục tiêu, đúng mục đích và đặc biệt là không tăng việc chuyển nguồn qua năm sau.

Gần cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đăng ký phát biểu. Ông cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt kinh tế biến động cần thiết phải có những giải pháp, tình thế đặc biệt để vượt qua khó khăn . Để chủ động linh hoạt kịp thời trong điều hành Chính phủ đề nghị với Quốc hội giới hạn bội chi tối đa là 8%, đây là giới hạn tối đa trong điều hành một cách linh hoạt tương ứng với các phương án giá dầu.

Trong trung hạn 3 đến 5 năm tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều hành ngân sách vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng, vừa giảm dần bội chi ngân sách đảm bảo bình quân 5 năm bội chi vẫn trong phạm vi 5 % giới hạn an toàn, dư nợ vay của Chính phủ trong giới hạn an toàn khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn 8% thì bội chi sẽ giảm xuống dưới 5%.

Theo vị bộ trưởng này, Chính phủ sẽ phấn đấu giảm bội chi thấp hơn. Hiện nay giá dầu thô đã xấp xỉ 60 USD một thùng, kinh tế khả quan nếu tăng trưởng tốt cũng là điều kiện để tăng thu ngân sách Nhà nước. "Đây là cơ sở để Chính phủ điều hành bội chi thấp hơn 8% GDP", Bộ trưởng nói.

Ông cũng dự định sẽ phát biểu về giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế cơ cấu lại nền kinh tế, song hết 7 phút, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên điểu khiển phiên họp yêu cầu ông gửi văn bản lại “vì những vấn đề Bộ trưởng nói đã có trong báo cáo Chính phủ rồi”.