11:11 13/09/2023

Hút khách du lịch đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sửa quy định khách ngoại đưa ô tô vào Việt Nam

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động...

Hiện có trên 30 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được thực hiện dịch vụ này.
Hiện có trên 30 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được thực hiện dịch vụ này.

Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, 17 Điều, quy định về điều kiện đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện, trình tự, thủ tục chấp thuận cho phương tiện cơ giới nước ngoài do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lữ hành quốc tế có hoạt động đưa phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.

30 DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH ĐƯỢC TỔ CHỨC ĐOÀN CARAVAN

Hoạt động này được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành bao gồm: Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01/10/2009 quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam, Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch và Nghị định số 57/2015/NĐ-CP ngày 16/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Các nghị định này được Bộ Giao thông vận tải và các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an, Tài chính phối hợp cùng các địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, song song với việc Việt Nam ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương về vận tải đường bộ qua biên giới với các nước láng giềng và trong khu vực như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước GMS và ASEAN, việc triển khai các nghị định nêu trên đáp ứng yêu cầu du lịch bằng đường bộ giữa các nước trên thế giới đang được ngày càng phát triển, đặc biệt là hình thức du lịch tự lái xe ô tô, mô tô giữa các nước trên thế giới vào các nước trong khu vực ASEAN và giữa các nước trong khu vực ASEAN với nhau, trong đó có Việt Nam.

 

Nhờ đó, các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế tổ chức nhiều đoàn caravan xe mô tô, xe ô tô của khách nước ngoài tự lái vào Việt Nam du lịch, góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với du khách của các nước trên thế giới.

Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cũng thực hiện đầy đủ quy định về thành phần hồ sơ, sự phối hợp có công hàm của sứ quán các nước có tay lái bên phải (tổ chức giao thông đi bên trái khác với tổ chức giao thông tại Việt Nam, ví dụ Thái Lan, Anh…), tổ chức dẫn các đoàn xe mô tô, xe ô tô của người nước ngoài tự lái vào Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện dẫn đoàn xe mô tô và xe ô tô của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được đặt mục tiêu hàng đầu cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Quá trình dẫn đoàn xe mô tô và xe ô tô của khách nước ngoài tại Việt Nam xảy ra rất ít các vi phạm hoặc va chạm giao thông, riêng vụ va chạm giao thông xảy ra tại Đà Lạt dẫn đến thương vong do lỗi của người tham gia giao thông không quan sát.

Hiện có trên 30 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tổ chức thực hiện; với các đoàn khách du lịch có quốc tịch chủ yếu từ các nước như: Thái Lan (chiếm 70% các đoàn khách đề nghị tham gia tại Việt Nam), Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Italia, Argentina, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

Tuy nhiên, nội dung quy định tại các nghị định nêu trên được hướng dẫn cách đây gần 10 năm, so với sự phát triển công nghệ, công tác cải cách thủ tục hành chính, quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh, quản lý trật tự xã hội, sự phát triển với mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn..., cần phải có sự điều chỉnh phù hợp.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, tại thời điểm đó việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chưa phát triển, việc kiểm soát hồ sơ, thủ tục được thực hiện thông qua chủ yếu là các văn bản bằng giấy, do đó đã hạn chế phần nào trong công tác quản lý hoạt động đối với loại hình này.

THAM GIA GIAO THÔNG KHÔNG QUÁ 30 NGÀY

Tại lần sửa đổi lần này, Bộ Giao thông vận tải hướng đến việc xây dựng nghị định nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp đồng bộ với các quy định của pháp luật.

Cùng với đó, bảo đảm sự quản lý thống nhất giữa người và phương tiện mang theo của người nước ngoài vào Việt Nam du lịch; đồng thời, phù hợp với việc liên thông trong lĩnh vực quản lý khi cấp biển số tạm của phương tiện đang được Bộ Công an phân cấp tổ chức thực hiện.

Qua đó, tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế khi tổ chức thực hiện các đoàn caravan của người nước ngoài mang phương tiện vào tham gia gia thông tại Việt Nam.

Theo đó, dự thảo sửa đổi theo hướng giảm thiểu thành phần hồ sơ, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động du lịch, tăng cường công tác hậu kiểm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành khi thực hiện.

Cùng với đó, liên thông quản lý thông tin của khách khi nhập cảnh, xuất cảnh, để tăng cường quản lý và tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng như doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh này. 

Cụ thể, Điều 4 dự thảo quy định điều kiện để phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam. 

Theo đó, điều kiện chung đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam đó là phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận và tổ chức thực hiện. 

 

"Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng, phương tiện cơ giới nước ngoài được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày, có văn bản chấp thuận của Bộ Công an".

(Dự thảo nghị định).

Còn điều kiện đối với phương tiện cơ giới nước ngoài đó là (i) là phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này; (ii) có Giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực; (iii) có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô).

Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài cũng được nêu rõ là công dân nước ngoài; có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và có Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển.

Phương tiện cơ giới nước ngoài phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh. Người điều khiển phương tiện phải làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Phương tiện cơ giới nước ngoài chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận.

Dự thảo cũng quy định rõ về trình tự, thủ tục chấp thuận cho phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam; việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài...