Italia sẵn sàng chia sẻ công nghệ giúp sản xuất dệt may Việt Nam đột phá
Ngài Marco Della Seta, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italia tại Việt Nam nhấn mạnh: "Italia sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam công nghệ hiện đại trong sản xuất những loại vải tái chế, mô hình tuần hoàn của dệt may… nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam"…
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Dệt may Italia – Phong cách và đột phá (Fabrica) diễn ra ngày 20/5 tại Hà Nội, Ngài Marco Della Seta, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italia tại Việt Nam nhấn mạnh: "Dệt may hiện là nền tảng trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Italia. Minh chứng, năm 2023, giá trị xuất khẩu dệt may của Italia sang Việt Nam đạt 309 triệu USD (chiếm 17,3% tổng xuất khẩu của Italia), trong khi nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 335 triệu USD".
Ngài Đại sứ cho rằng Việt Nam và Italia cùng có một truyền thống lâu đời về sự khéo léo trong sản xuất dệt may. Italia là quốc gia có công nghệ dệt may hàng đầu thế giới, có thể sản xuất những loại vải mang tính sáng tạo, với công nghệ cải tiến cao như vải tái chế, mô hình dệt may tuần hoàn.
Điểm mạnh của dệt may Italia là tính quốc tế hóa cao, luôn nhìn ra thế giới - điều này là rất quan trọng với công nghiệp thời trang của Italia. Do đó, Italia tập trung vào thiết kế, cải tiến chất lượng. Đây là những điều kiện đã làm cho sản phẩm dệt may của Italia tiếp tục được bán trên thị trường quốc tế mà không bị phụ thuộc vào giá cả.
Chính vì vậy, triển lãm lần này Italia mong muốn chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, khách tham quan triển lãm về câu chuyện ngành dệt may Italia bắt đầu từ lịch sử cổ xưa tới những chất liệu hiện đại ngày nay.
Điều thú vị ở Fabrica là khách thăm quan có thể sờ, chạm vào vải trưng bày ở đây. Điểm đáng chú ý, triển lãm có những mô đun được lắp đặt có tính tương tác giúp khách tham quan có những trải nghiệm trực tiếp về sản phẩm dệt may Italia.
Các mô đun của triển lãm ghi lại sự phong phú và đa dạng của nền sản xuất Italia, từ vải dành cho thời trang cao cấp và đồ nội thất cho đến phong cách ứng dụng hiện đại nhất như vải làm từ sợi tự nhiên và vật liệu phế thải.
Còn với Việt Nam, Ngài Đại sứ đánh giá là quốc gia có truyền thống thủ công dệt may lâu đời, với nhiều chất liệu như lụa, gai dầu. Ngành công nghiệp dệt may là một trong những nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam cũng giống như Italia.
“Tôi được biết, hiện nay công nghiệp dệt may Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển về chất lượng thông qua việc đầu tư, trang bị công nghệ cho sản xuất, giúp ngành dệt may trở nên chuyên môn hóa cao hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Như vậy, hai nước có thể bắt tay, hợp tác cùng nhau để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu này”, Đại sứ Marco Della Seta nhấn mạnh.
Nhất là khi công nghiệp bền vững đang trở thành bắt buộc ở mọi quốc gia, điều này càng trở nên cần thiết. Đơn cử như Liên minh châu Âu đưa ra Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, hay quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” đặt ra trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này… Vì vậy, theo Ngài Marco Della Seta, nếu Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm dệt may sang châu Âu thì phải nỗ lực tuân thủ những quy định này.
Ngoài ra, tính bền vững của sản phẩm, quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm dệt may cùng một chất lượng… có tính cạnh tranh cao với sản phẩm châu Âu.
“Đây là bí mật để Việt Nam có thể bán sản phẩm bằng giá với sản phẩm của châu Âu. Châu Âu là một trong những thị trường khó tính trên thế giới, vì thế, một khi đã bán được cho châu Âu thì sản phẩm dệt may Việt Nam có thể bán được trên tất cả các thị trường khác”, ông Marco Della Seta lưu ý.
Để đáp ứng được những yêu cầu trên, bên cạnh việc hợp tác, chia sẻ công nghệ sản xuất dệt may, Italia đã và đang hỗ trợ Việt Nam sản xuất ra sản phẩm dệt may chất lượng cao thông qua Trung tâm công nghệ dệt may Italia tại TP. Hồ Chí Minh được tài trợ bởi Văn phòng Thương vụ Italia và Acimit – Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc dệt may Italia.
Trung tâm hỗ trợ về máy móc dệt may và gửi giáo viên đến để trao đổi kinh nghiệm với dệt may Việt Nam. Cũng tại đây, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện tiếp cận các kỹ thuật mới, có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư, các nhà nghiên cứu tại các trường đại học của Italia. “Đây là một minh chứng hợp tác rất tốt đẹp và tôi hy vọng nó sẽ còn phát triển trong tương lai”, vị Đại sứ khẳng định.