Kết quả ngoại giao vaccine: Việt Nam nhận hơn 8 triệu liều trong 5 tháng
Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán mua 55 triệu liều, bao gồm 40 triệu liều Sputnik-V của Nga và 15 triệu liều Covaxin của Ấn Độ...
Theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Việt Nam đặt mục tiêu 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều. Trong đó, 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam.
Tính đến ngày 12/7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vaccine và sắp tới sẽ tiếp tục nhận thêm từ các nguồn đã đàm phán mà các nước và hãng sản xuất đồng ý chuyển giao sớm cũng như từ các nguồn hỗ trợ của các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế.
Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán mua 55 triệu liều, bao gồm 40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ.
Chương trình COVAX mới đây cũng cam kết sẽ ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo, ủng hộ hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA; cử các chuyên gia đến Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vaccine đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và được thế giới công nhận; đồng thời sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực.
Công tác ngoại giao vaccine thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần triển khai chiến lược vaccine, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thời gian gần đây, qua các cuộc gặp cũng như điện đàm, lãnh đạo đảng, Nhà nước và Chính phủ và Quốc hội đều đề nghị quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong cung ứng, hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
Gần đây nhất, tại cuộc điện đàm chiều 12/7 với Thủ tướng Nhà nước Israel, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Thủ tướng đề nghị Israel ưu tiên hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine và thuốc điều trị Covid-19 nhanh nhất, nhiều nhất có thể, thông qua tất cả các hình thức hợp tác phù hợp, hiệu quả, nhất là việc Israel tạo điều kiện cho chuyển nhượng lại một phần số vaccine mà Israel đã ký với các đối tác khác.
Bên cạnh công tác ngoại giao vaccine, các bộ ngành liên quan, doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu trong nước cũng đang tăng tốc nghiên cứu và sản xút vaccine, trước mắt phòng chống dịch bệnh Covid-19 và lâu dài, thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19 cũng như nhiều loại dịch bệnh khác trong tương lai.
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cuối tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản xuất vaccine trong nước sớm nhất. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine nói chung và trước mắt là vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vaccine Covid-19 sản xuất trong nước.