Khai mạc kỳ họp Quốc hội: Tăng tranh luận, tăng giải trình
Khai mạc sáng nay (20/10), Quốc hội khoá 14 sẽ bắt đầu 26 ngày làm việc của kỳ họp thứ hai
Khai mạc sáng nay (20/10), Quốc hội khoá 14 sẽ bắt đầu 26 ngày làm việc của kỳ họp thứ hai, với sự xuất hiện dày đặc của các vị bộ trưởng, theo chương trình dự kiến.
Có vẻ như tinh thần một Quốc hội tranh luận - nội dung đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí lúc mới nhậm chức - đang dần được hiện thực hoá.
Lâu nay, các phiên thảo luận toàn thể thường diễn ra đều đều theo cách các đại biểu bấm nút đăng ký rồi lần lượt trình bày ý kiến (đa số là được chuẩn bị sẵn bằng văn bản) và không tránh được các nội dung trùng nhau, đôi khi khiến người nghe nhàm chán.
Nếu đại biểu nào muốn tranh luận thì đương nhiên sẽ bấm nút sau, tên sẽ hiển thị ở phần cuối danh sách và dễ dẫn đến hết thời gian vẫn chưa đến lượt đăng đàn.
Kỳ họp này, để tăng tranh luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi đại biểu muốn tranh luận thì có thể giơ biển chứ không chỉ phụ thuộc vào bấm nút điện tử.
Tinh thần là sẽ để các đại biểu được trao đổi, tranh luận hết các vấn đề được đặt ra ở mỗi phiên, ông Phúc cho biết.
Chuyển dần từ Quốc hội tham luận đến Quốc hội tranh luận, đương nhiên các vị đại biểu cần cả kỹ năng, nhưng cao hơn hết là tăng sự đầu tư công sức, trí tuệ cho mỗi lần đăng đàn.
Phần lớn các thành viên Chính phủ cũng là đại biểu Quốc hội. Họ cũng có quyền tranh luận nhưng họ còn có trách nhiệm giải trình.
Bộ trưởng trình bày báo cáo, trình dự án luật, giải trình ở một số phiên giám sát hay thảo luận về kinh tế xã hội... thì đã quá quen thuộc với nghị trường.
Nhưng, Bộ trưởng báo cáo, giải trình ngay lập tức khi Quốc hội thảo luận về các dự án luật, đặc biệt là với các luật chuẩn bị được thông qua thì là điểm rất mới tại kỳ họp này.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật và 1 nghị quyết khác.
Và, tất cả các phiên thảo luận ở hội trường về các dự án này đều có phần dành cho các vị bộ trưởng - thường là trưởng ban soạn thảo - giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Việc các vị đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp tranh luận trực tiếp với ban soạn thảo các dự án luật thực ra đã bị gián đoạn chứ không phải là mới.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - người từng là đại biểu các khoá 9, 12 và 13 - kể rằng, ở khoá 9 mỗi phiên Quốc hội làm luật thì các vị ở ban soạn thảo đều "toát" mồ hôi khi bị "xoay" trực tiếp những vấn đề khó.
Nhưng các khoá sau đó, nhất là hai khoá gần đây nhất, tiếp thu, giải trình lại là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian, cơ hội tranh luận đều giảm, nên một số vị đại biểu đã "đúc kết" vui vui rằng, đại biểu góp ý rất hay, nhưng tiếp thu thì rất gay, nên xin được giữ nguyên như cũ.
Kỳ này, khối lượng công việc lập pháp là rất lớn, song những vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính... cũng nặng nề không kém.
Ngay ngày đầu tiên, bên cạnh báo cáo kinh tế xã hội năm 2016 và kế hoạch 2017 như thường lệ, Quốc hội còn nghe các báo cáo về tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và đầu tư công trung hạn....
Đây đều là vấn đề lớn của nền kinh tế, khi mà nợ công được dự báo chẳng mấy nữa sẽ vượt trần, đầu tư công ngổn ngang với nguồn lực tài chính eo hẹp...
Quốc hội tăng tranh luận, bộ trưởng tăng giải trình, giải pháp sẽ sáng rõ và trách nhiệm cũng sẽ minh bạch hơn. Đó cũng là điều cử tri mong đợi.