14:10 26/08/2021

Khi bị tinh giản biên chế, tuổi nghỉ hưu sớm được xác định thế nào?

Phúc Minh

Bộ Nội vụ vừa có công văn về việc xác định tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi với trường hợp thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 143/2020/NĐ-CP...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, các trường hợp tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của năm thực hiện tinh giản biên chế quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu (gọi tắt là Nghị định số 135).

Đồng thời, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì tùy từng trường hợp cụ thể được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

Để thống nhất cách giải quyết, Bộ Nội vụ đưa ra 2 ví dụ về chính sách này như sau:

Ví dụ 1: Nam, sinh tháng 10/1964, có 21 năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tinh giản biên chế tại thời điểm tháng 8/2021 (tuổi đời là 56 tuổi 10 tháng), thấp hơn 3 năm 5 tháng so với tuổi nghỉ hưu của năm 2021 (60 tuổi 3 tháng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135) thì được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

Ví dụ 2: Nữ, sinh tháng 5/1967, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tinh giản biên chế tại thời điểm tháng 1/2022 (tuổi đời là 54 tuổi 8 tháng) thấp hơn 1 năm so với tuổi nghỉ hưu của năm 2022 (55 tuổi 8 tháng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135) thì được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

Cũng theo Bộ Nội vụ, đối với các trường hợp tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của năm thực hiện tinh giản biên chế quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 135 và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021, thì tùy từng trường hợp cụ thể được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

Ví dụ 3: Nữ, sinh tháng 11/1973, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Nếu tinh giản biên chế tại thời điểm tháng 11/2021 (có tuổi đời là 48 tuổi) thấp hơn 2 năm 4 tháng so với tuổi nghỉ hưu của năm 2021 (50 tuổi 4 tháng quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 135) thì được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

Ví dụ 4: Nam, sinh tháng 12/1967, có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 16 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Nếu tinh giản biên chế tại thời điểm tháng 2/2022 (tuổi đời là 54 tuổi 2 tháng) thấp hơn 1 năm 4 tháng so với tuổi nghỉ hưu của năm 2022 (55 tuổi 6 tháng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 135) thì được hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP).

Cũng theo Bộ Nội vụ, đối với các trường hợp đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế trước thời điểm ban hành văn bản này thì không đặt vấn đề xem xét lại.