12:57 22/10/2024

Khó khăn ở Intel và Boeing, vấn đề của nền sản xuất Mỹ

An Huy

Cách đây 1 thế hệ, bất kỳ danh sách nào về những doanh nghiệp sản xuất được kính nể nhất ở Mỹ cũng đều có hai cái tên Intel và Boeing ở top đầu...

Trong một nhà máy của Boeing ở bang Washington - Ảnh: Bloomberg.
Trong một nhà máy của Boeing ở bang Washington - Ảnh: Bloomberg.

Nhưng hiện nay, cả hai công ty này đều đang ở trong tình trạng chênh vênh, đối diện với nhiều khó khăn không dễ vượt qua.

Theo tờ báo Wall Street Journal, Intel đã tạm dừng việc chia cổ tức cho cổ đông, cắt giảm nhân sự và đầu tư cơ bản, đồng thời trở thành mục tiêu bị doanh nghiệp khác thâu tóm. Về phần mình, Boeing đương đầu thách thức là các cuộc điều tra về các vụ tai nạn và sự cố trên không, tình trạng chậm trễ trong sản xuất và đình công. Kịch bản hai “gã khổng lồ” này phải chia nhỏ công ty hoặc rơi vào cảnh phá sản không còn là điều không ai dám nghĩ tới như trước nữa.

SAI LẦM CỦA HAI “GÃ KHỔNG LỒ” SẢN XUẤT MỸ

Trong 5 năm qua, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Intel và Boeing đã giảm một nửa. Không chỉ là tin xấu đối với cổ đông, đây còn là một vấn đề không nhỏ đối với nền sản xuất của nước Mỹ.

Hiện nay, Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, cả về sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh kinh tế và công nghệ. Để gia tăng sức mạnh cho nền sản xuất của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chủ trương thúc đẩy việc sử dụng công cụ thuế quan và trợ cấp.

Nhưng Wall Street Journal cho rằng những biện pháp này sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản mà Boeing và Intel đang gặp phải. Mỹ vẫn là quốc gia thiết kế được những sản phẩm sáng tạo nhất thế giới, nhưng lại đang mất đi khả năng sản xuất những sản phẩm đó.

Ở thời điểm cuối năm 1999, 4 trong số 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Mỹ là các công ty sản xuất. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất không còn có tên trong top 10 công ty vốn hóa lớn nhất nước này. “Ngôi sao” mới nổi duy nhất đến từ lĩnh vực sản xuất là hãng xe điện Tesla xếp thứ 11.

Intel và Boeing đã từng được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc sản xuất các sản phẩm đột phá đáp ứng được thông số kỹ thuật khắt khe với chất lượng cao đồng nhất. Nhưng đó dường như chỉ còn là câu chuyện của dĩ vãng. Điều này xuất phát từ chính những sai lầm của mỗi công ty, thay vì từ sự cạnh tranh của hàng giá rẻ nước ngoài.

Văn hóa doanh nghiệp của Intel và Boeing đều đi theo hướng ưu tiên hiệu quả tài chính hơn là sự xuất sắc về mặt kỹ thuật. Chính sai lầm này cũng đã hạ bệ một biểu tượng sản xuất khác, của Mỹ là hãng General Electric (GE).

Intel đã bỏ qua việc sản xuất con chip cho chiếc iPhone đầu tiên của Apple vì nghĩ rằng việc này sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận. Hãng cũng chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ mới nhất để khắc các mạch điện nhỏ nhất và không bắt kịp được sự phát triển bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong khi đó, Boeing cho rằng sẽ rẻ hơn và nhanh hơn nếu dùng sự trợ giúp của phần mềm để bổ sung các động cơ hiệu quả hơn cho chiếc 737 - dòng máy bay bán chạy nhất của hãng - thay vì thiết kế lại hoặc thay thế hoàn toàn máy bay. Điều đó bị cho là một phần nguyên nhân dẫn tới 2 vụ rơi máy bay chết người. Việc thuê ngoài chuỗi cung ứng và làn sóng thôi việc của nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm trong thời kỳ đại dịch cũng góp phần gây ra các vấn đề về chất lượng và chậm trễ trong sản xuất của Boeing.

Những khó khăn mà Intel và Boeing đang đối mặt chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân nội tại, nên nhà đầu tư có thể sẽ bỏ mặc hai công ty này cho số phận. Các nhà đầu tư có thể sẽ nhún vai: Intel bây giờ có trị giá dưới 100 tỷ USD trong khi Microsoft, Apple và Nvidia có tổng vốn hóa tới 10 nghìn tỷ USD.

CÔNG TY NÀO CÓ THỂ THAY THẾ INTEL VÀ BOEING?

Vấn đề nằm ở chỗ phần mềm và thiết bị của những công ty công nghệ khổng lồ nói trên sẽ trở nên vô dụng nếu không có linh kiện bán dẫn tiên tiến mà họ thuê ngoài sản xuất, nhất là thuê công ty TSMC của Đài Loan. Nếu Đài Loan chịu sự ảnh hưởng lớn hơn từ Trung Quốc, toàn bộ ngành công nghệ của Mỹ sẽ gặp thử thách lớn.

TSMC đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Mỹ với sự trợ giúp trị giá 6,6 tỷ USD từ Đạo luật CHIPS mà Tổng thống Joe Biden khởi xướng. Nhưng sẽ phải mất nhiều năm nữa trước khi các công ty công nghệ Mỹ không còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn từ Đài Loan.

Intel là công ty Mỹ duy nhất có khả năng cạnh tranh với TSMC nhưng lại đang gặp khó khăn như đã nói ở trên.

Công ty khai phá vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã vượt qua Boeing trong lĩnh vực vận tải không gian, nhưng Mỹ hiện tại không có nhà cung cấp máy bay thương mại lớn trong nước nào thay thế được Boeing. Nếu không có Boeing, mảng kinh doanh đó sẽ thuộc về Airbus và thậm chí là Comac - công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc và đang giao hàng sản phẩm C919, chiếc máy bay là đối thủ cạnh tranh với 737 của Boeing và A320 của Airbus.

Thất bại của Intel hay Boeing sẽ đều gây ra những hậu quả toàn ngành. Mỗi công ty đều hỗ trợ một hệ sinh thái đa lớp gồm các nhà thiết kế, công nhân, nhà quản lý và nhà cung cấp. Một khi hệ sinh thái đó di chuyển ra nước ngoài thì việc đưa trở lại Mỹ sẽ là điều gần như không thể.

Ông Rob Atkinson, Chủ tịch tổ chức Information Technology and Innovation Foundation, lưu ý rằng Boeing là nhà xuất khẩu sản xuất lớn nhất của Mỹ và “cũng là một trong những công ty sử dụng nhiều kỹ thuật nhất trên thế giới, vì vậy đây là một công ty chi tiêu rất lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D)”. Còn thất bại của Intel sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố hệ sinh thái bán dẫn và giành lại thị phần từ các nước Đông Á.

Bởi vậy, Chính phủ Mỹ có lẽ muốn ngó lơ những thách thức mà Intel và Boeing đang đương đầu, nhưng họ không thể làm như vậy. Vấn đề an ninh quốc gia đòi hỏi Mỹ phải giữ kín một số bí quyết trong chế tạo máy bay và linh kiện bán dẫn.

Intel là công ty Mỹ duy nhất có khả năng cạnh tranh với TSMC nhưng lại đang gặp khó khăn. Ảnh: Bloomberg.
Intel là công ty Mỹ duy nhất có khả năng cạnh tranh với TSMC nhưng lại đang gặp khó khăn. Ảnh: Bloomberg.

Có một điều chắc chắn là các quốc gia khác cũng cảm thấy như vậy: các chính phủ ở châu Âu đã trợ cấp rất nhiều cho Airbus. Trung Quốc đang tìm cách để có được sự thống trị trong các công nghệ quan trọng bất kể chi phí là bao nhiêu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Quỹ Lớn (Big Fund) của Trung Quốc đã đầu tư khoảng 100 tỷ USD vào lĩnh vực con chip và số vốn trợ cấp cho Comac đã lên tới con số 72 tỷ USD vào năm 2020.

“Cho đến khi Comac thành công trong việc giành được một thị phần đáng kể trên thị trường máy bay toàn cầu, hãng này sẽ còn lỗ nhiều và còn được chính phủ Trung Quốc giải cứu”, ông Atkinson nhận định.

GIẢI PHÁP MỜI GỌI DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI TỚI MỸ

Cả hai chính đảng của Mỹ đều tin rằng sản xuất là một lĩnh vực có vai trò đặc biệt và do đó xứng đáng nhận được sự hậu thuẫn từ khu vực công. Điều đó đặt ra câu hỏi: ngành sản xuất nào nên được hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào?

Mục tiêu chiến lược sản xuất của Mỹ không chỉ là tạo ra việc làm mà còn là tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, vượt trội trên thế giới. Washington có thể hỗ trợ nền sản xuất trong nước thông qua việc khuyến khích các nhà sản xuất tốt nhất thế giới tới mở nhà máy tại Mỹ. Điều đó buộc các công ty Mỹ phải tự nâng cấp mình và phát triển lực lượng lao động cũng như mạng lưới nhà cung cấp phục vụ tất cả các công ty. Đạo luật CHIPS - bằng cách khuyến khích TSMC và Samsung xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Mỹ - đã gián tiếp hỗ trợ Intel, GlobalFoundries và Micron - là những công ty có trụ sở đặt tại Mỹ và đều đã nhận được trợ cấp của Chính phủ Mỹ.

Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay - bà Kamala Harris và ông Donald Trump - đều phản đối việc hãng thép Nhật Nippon Steel chào mua hãng thép Mỹ US Steel. Đó là bởi hai vị này đều tôn trọng tổ chức nghiệp đoàn công nhân ngành thép Mỹ United Steelworkers - những người nghi ngờ về cam kết của Nippon Steel đối với các nhà máy có người lao động thuộc nghiệp đoàn. Tuy nhiên, nguồn vốn dồi dào và kiến ​​thức chuyên môn về thép chuyên dụng của Nippon có thể khiến US Steel trở thành một chủ sử dụng lao động mạnh mẽ hơn và an toàn hơn.

Vào đầu những năm 1980, khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ lao đao vì xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Tổng thống Ronald Reagan đã đàm phán hạn chế xuất khẩu đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật như Toyota, dẫn tới việc các công ty tới mở nhà máy ở Mỹ. Lợi ích mang lại cho Mỹ đã vượt xa khỏi công ăn việc làm và tiêu dùng, thể hiện qua việc ngành công nghiệp ô tô Mỹ buộc phải áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn và hệ thống cải tiến liên tục của Toyota.

Năm 2010, Toyota đã bán một trong những nhà máy của mình cho một công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ. Và startup đó không chỉ mang tới cho Tesla nhà máy đầu tiên, mà còn cung cấp vốn ban đầu, một nhà điều hành sản xuất kỳ cựu để giám sát quy trình sản xuất của Tesla, và như ông Musk đã nói vào thời điểm đó, “chuyên môn sản xuất, chế tạo và kỹ thuật huyền thoại của Toyota”.