15:00 04/04/2023

“Khoá giá” để thúc đẩy sức mua tại TP.HCM

Mộc Minh

“Bán hàng không lợi nhuận”, “khoá giá”, “bán lẻ giá sỉ”… đã và sẽ là những chương trình được các doanh nghiệp lớn hoặc hệ thống bán lẻ tại TP.HCM triển khai nhằm kích cầu cũng như hỗ trợ người dân…

Các doanh nghiệp, nhà phân phối sẽ cùng đồng hành với TP.HCM hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.
Các doanh nghiệp, nhà phân phối sẽ cùng đồng hành với TP.HCM hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.

Trong quý đầu năm 2023, xu hướng tiêu dùng của người dân tại TP.HCM chủ yếu tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu, hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết…

GIỎ HÀNG HOÁ TIÊU DÙNG MẤT CÂN ĐỐI

Trong quý 1/2023, tại TP.HCM các mặt hàng thiết yếu về nguồn cung - cầu, giá cả không có biến động bất thường, sức mua trên thị trường vẫn tiếp đà tăng trưởng. Các doanh nghiệp, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công... thu nhập của người dân chưa được cải thiện…

Đây là thông tin được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ quý 1/2023 của ngành Công thương TP.HCM vào chiều ngày 03/4/2023.

Ông Vũ cho biết những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn đã được UBND thành phố nhận thức từ quý 4/2022, nhưng đến quý 1/2023 mới hiện “đậm nét” hơn, ở việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào khi giá nguyên vật liệu tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia. 

Nguồn: Sở Công thương TP.HCM.
Nguồn: Sở Công thương TP.HCM.

Về tình hình tiêu thụ hàng hoá tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các mặt hàng tiêu thụ tập trung vào sản phẩm thiết yếu, như lương thực thực phẩm, đồ uống tăng 18,5% so với cùng kỳ, các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh. 

Nhận định về tình hình bán hàng trong quý đầu năm nay, đại diện các hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM cho biết sức mua vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Central Group, cho biết so với quý 1/2022, sức mua quý 1/2023 tăng 10% và tập trung ở các mặt hàng thiết yếu. Còn theo ông Ao Hoàng Hải, Phó phòng kinh doanh của Saigon Co.op, sức mua tại hệ thống tăng 5% trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm 2022. Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thu mua của MM Mega Market Việt Nam, cho biết sức mua tại hệ thống trong quý 1/2023 vẫn tăng gần 12% và người tiêu dùng cũng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu...

DUY TRÌ ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ

Theo Sở Công thương, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm… Sở tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa trong thời gian tới.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: “Doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện có thể kiến nghị, Sở Công Thương sẽ có những giải pháp hỗ trợ kịp thời” - Ảnh: LH. 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: “Doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện có thể kiến nghị, Sở Công Thương sẽ có những giải pháp hỗ trợ kịp thời” - Ảnh: LH. 

Ông Vũ cho biết thêm, Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 – 2024 có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn thị trường, giá bán được xác định trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan: doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính), nhằm tạo sự đồng thuận cao, vừa đảm bảo ổn định giá, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, lợi ích phù hợp của người tiêu dùng.

Đại diện Central Group cho biết tại hệ thống chương trình "Giá luôn rẻ hơn" mà đơn vị này triển khai sắp tới sẽ mang đến trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm, tăng thêm lựa chọn cho người dân. 

Tại MM Mega Market Việt Nam, theo ông Toàn giỏ hàng mua sắm của người dân qua hệ thống bị thiếu hụt khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái do cắt giảm những nhóm hàng không thiết yếu. Để kích cầu, từ ngày 31/3/2023, hệ thống triển khai 02 chương trình trọng điểm với mức giá ưu đãi tốt như chợ đầu mối. Trong đó, chương trình thứ 2 là "Khóa giá" dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, vật dụng gia đình, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Tại hệ thống siêu thị Co.opnart, Co.opXtra tiếp tục tham gia bình ổn thị trường 11 nhóm hàng, cam kết giảm giá 5%-10% so với giá thị trường đối với nhiều nhóm hàng. Đặc biệt, từ ngày 20/4/2023, Saigon Co.op sẽ triển khai chương trình khuyến mãi mừng sinh nhật hệ thống kéo dài 3 tuần với hàng ngàn mặt hàng được khuyến mãi sâu. 

Tại hệ thống Bách Hoá Xanh cũng tung hàng loạt khuyến mãi mới. Đặc biệt, khi mua hàng trực tuyến tại Bachhoaxanh.com, khách hàng sẽ được trợ giá vận chuyển cho hoá đơn chỉ từ 100.000 đồng. 

Hệ thống Big C và GO! cũng đang nỗ lực phối hợp cùng nhà cung cấp đưa ra 1 số chương trình khuyến mãi. Trong đó, chương trình "Giá luôn rẻ" mang lại cho khách hàng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm, bao gồm các loại nông sản, trái cây, sản phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng, các sản phẩm từ sữa… Hệ thống này cam kết giá các mặt hàng trong chương trình luôn rẻ hơn thị trường trong phạm vi 10km.

Các doanh nghiệp cung cấp thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm chủ lực của TP.HCM như như Vissan, San Hà, Ba Huân... cũng công bố giảm giá 20%-30% cho nhiều mặt hàng tiêu dùng phổ biến. 

Trong chương trình bình ổn giá năm 2023, doanh nghiệp tham gia chương trình đều cam kết không tăng giá sản phẩm để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, dù giá đầu vào cho các sản phẩm đang tăng. Điều này cho thấy sự chia sẻ rất lớn từ các doanh nghiệp, nhà phân phối để cùng đồng hành với thành phố hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.