07:00 03/09/2022

Không thể chủ quan dù CPI tháng 8 được "hãm phanh", mục tiêu kiểm soát dưới 4% trong tầm tay

Trâm Anh

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng vỏn vẹn 0,005% so với tháng trước. Theo đánh giá của nhiều cơ quan, việc kiểm soát CPI dưới 4% gần như nắm chắc trong tay nhưng nhất quyết phải cảnh giác các nhân tố tiềm ẩn rủi ro cuối năm...

Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cuối năm như tăng giá các mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược; lương thực, thực phẩm tăng giá vào lễ, Tết; giải ngân vốn đầu tư công...
Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cuối năm như tăng giá các mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược; lương thực, thực phẩm tăng giá vào lễ, Tết; giải ngân vốn đầu tư công...

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ, vỏn vẹn 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7 "kìm" đà tăng CPI tháng 8.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 8 tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,89%. Như vậy, bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%, hoàn toàn trong tầm kiểm soát.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

NHIỀU CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ "KÌM" ĐÀ TĂNG GIÁ

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,005% của CPI tháng 8 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng (nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,46%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%...) và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm giao thông giảm mạnh 5,51%).

Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam nằm trong nhóm những nước có chỉ số lạm phát cận thấp của thế giới và giỏ hàng hóa để tính CPI của Việt Nam không khác nhiều so với thế giới. Cụ thể, Nhật Bản, Trung Quốc… nằm trong nhóm rất thấp, CPI chỉ tăng khoảng 1,8%; Việt Nam trong 7 tháng tăng CPI 2,54%, nằm trong nhóm CPI tăng cận thấp, khoảng 2-3%, tương đương với các nước: Malaysia, Indonesia, Brunei… Trong khi đó nhiều nước EU, Mỹ, Canada nằm trong nhóm CPI tăng cao trên 8%.

Chỉ rõ những khó khăn gây sức ép lên chỉ số CPI 8 tháng đầu năm, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì diễn ra cuối tháng 8, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết 8 tháng qua, kinh tế thế giới trải qua nhiều thách thức.

Trong đó, “nổi lên là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài. Cùng với đó, chính sách phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang kìm hãm tăng trưởng”, bà Nương nêu rõ.

Trước những rủi ro nêu trên, một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nâng mức dự báo về rủi ro lạm phát leo thang. Kinh tế thế giới đang ngày càng phải đối mặt rõ nét hơn với nguy cơ lạm phát cao đi kèm suy thoái tiềm ẩn.

Trong nước, nền kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới “đẩy” giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên.

Tuy nhiên, theo bà Nương, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ và sự triển khai chủ động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hàng loạt những nhân tố giúp kìm đà tăng của CPI.

Có thể kể đến như giá bưu chính viễn thông ước tính giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

 

Từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Các chính sách giảm thuế, phí góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ đầu năm đến hết ngày 31/12/2022.

Cùng với đó, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường 2 đợt đối với xăng dầu trong đó lần 1 từ ngày 1/4/2022 và lần 2 giảm về kịch khung thuế từ ngày 11/7/2022.

Công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu được chú trọng góp phần quan trọng trong bình ổn thị trường…

Trong 8 tháng đầu năm, các chính sách tài khóa được thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, trong thời gian qua, một số cơ sở y tế thực hiện điều chỉnh giảm giá dịch vụ vận tải chuyển cấp cứu người bệnh do giá xăng dầu giảm liên tiếp. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương nghiên cứu về phương án tổ chức thực hiện bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.

CHỊU NHIỀU ÁP LỰC NHƯNG CPI DỰ KIẾN DƯỚI 3,9%

Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao công tác điều hành giá của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, để Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để có thể đạt được mục tiêu đề ra.

“Chúng ta thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa; ổn định được tỷ giá, lãi suất, kiểm soát tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kết hợp hài hòa, linh hoạt, hợp lý kịp thời giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, mặc dù kết quả điều hành giá trong 8 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu khả quan, tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của nền kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ, Tết; giá thịt lợn đang có xu hướng tăng…

Đặc biệt, "việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó, có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời", Bộ Tài chính chỉ rõ.

Do đó, Bộ Tài chính dự báo hai kịch bản về CPI cuối năm, dựa trên tốc độ tăng giá xăng bình quân so với cùng kỳ.

Không thể chủ quan dù CPI tháng 8 được "hãm phanh", mục tiêu kiểm soát dưới 4% trong tầm tay - Ảnh 1

Theo đó, kịch bản thứ nhất dựa trên cơ sở giá xăng bình quân năm 2022 tăng tới 40% so với năm 2021, dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,37% so với năm 2021.

Còn kịch bản thứ hai dựa trên cơ sở giá xăng bình quân năm 2022 tăng tới 45% so với năm 2021, dự báo CPI bình quân năm 2022 cũng sẽ chỉ tăng khoảng 3,87% so với năm 2021.

Dự báo này tương đối sát với dự báo của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi 2 cơ quan này lần lượt dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 3,4 - 3,7%.

"ĐỂ MẮT" KỸ BIẾN ĐỘNG CÁC HÀNG HOÁ THIẾT YẾU

Để đảm bảo đạt mục tiêu CPI bình quân năm 2022 ở mức dưới 4%, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đề nghị công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Theo đó, các bộ ngành, địa phương cần bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác điều hành giá trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường phối hợp trong công tác điều hành, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý.

Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng; lương thực, thực phẩm; thịt lợn; thức ăn chăn nuôi; thuốc, vật tư y tế; dịch vụ lưu trú, du lịch.

Đồng tình với ý kiến đề xuất của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là và cần theo dõi sát tình hình thế giới, lường trước các yếu tố tiềm ẩn rủi ro như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh… để chủ động các biện pháp ứng phó.

“Phải rất sát sao, không để bị động, bởi nếu tình huống đã xảy ra mới bàn cách ứng phó thì sẽ không kịp thời, khi đó chỉ là xử lý việc đã rồi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Giao nhiệm vụ tới từng bộ, ngành, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát lại chính sách, nhất là những chính sách đến cuối năm nay sẽ hết hiệu lực thì sẽ tác động đến năm 2022 ra sao, qua đó tính toán, đề xuất giải pháp phù hợp. Đồng thời phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp tài khóa kịp thời.

Còn Bộ Công Thương cần chủ động bảo đảm nguồn cung và điều hành giá xăng dầu đúng quy định. Bộ Y tế triển khai các gói mua sắm tập trung thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng quy định pháp luật, không để thiếu thuốc, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe người dân. 

Các bộ, ngành, địa phương khác tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm quy định pháp luật về giá. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyên truyền, thông tin phải hết sức kịp thời, trung thực để dư luận hiểu đúng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với công tác điều hành giá.