09:34 17/10/2023

Khu vực FDI thu hút bình quân mỗi năm 360.000 lao động mới

Phúc Minh

Ngoài tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động, hiện tỷ trọng lao động ở doanh nghiệp FDI trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình lao động việc làm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng lao động làm việc trong khu vực này ngày càng tăng theo các năm.

GIA TĂNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Năm 2010, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI là 1,44 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 66,8%), thì đến năm 2016, lao động làm việc trong các doanh nghiệp này đạt 3,78 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 67,9%), tăng 1,75 lần so với năm 2010.

Tính đến năm 2022, lao động làm việc trong các doanh nghiệp này đạt 5,09 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 61,2%), tăng 1,35 lần so với năm 2016. Bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động vào làm việc. Tỷ lệ lao động được ký hợp đồng lao động đạt 98%, trong đó từ 30 - 35% lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI. 

Đội ngũ công nhân lao động tại các doanh nghiệp FDI được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến, rèn luyện ý thức tổ chức, tác phong công nghiệp.

Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như Dệt may, Da giày.

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp. 

Cùng với sự gia tăng số lao động làm việc trong khu vực FDI, lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng có sự tăng trưởng.

Tính đến tháng 10/2023 cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10.458 người (chiếm 7,8% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam).

Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 121.923 (chiếm 92.2%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 89.004 người và gia hạn cho 15.362 lao động, cấp lại cho 9.753 người, còn lại 7.863 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Theo báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ trên 72%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực như, khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo...

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG KHU VỰC DOANH NGHIỆP

Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các giải pháp của ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể, cùng với đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, Bộ sẽ thường xuyên rà soát, nắm tình hình lao động, việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động, để có phương án đào tạo nguồn nhân lực và kết nối cung – cầu lao động.

Lao động làm việc trong nhà máy. Ảnh - ILO. 
Lao động làm việc trong nhà máy. Ảnh - ILO. 

Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để vừa hỗ trợ doanh nghiệp có đủ lao động trình độ cao ở vị trí quan trọng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Chính phủ đã dành thời gian và quyết tâm sửa Nghị định 152 về quản lý, sử dụng và phát huy nhân lực nước ngoài tại Việt Nam với nhiều nội dung mới.

Theo Bộ trưởng, quy định mới đã giảm triệt để điều kiện, tiêu chí cho chuyên gia, người quản lý, lao động kỹ thuật vào Việt Nam ở mức độ thấp nhất có thể, trừ những điều kiện, nội dung mà Việt Nam đã cam kết với ASEAN không thể thay đổi được.

Quy định nhóm Giám đốc điều hành, trưởng các phòng, ban,…được cấp giấy phép lao động luôn. Trường hợp đã được cấp giấy phép trước đây, ví dụ như từ chuyên gia chuyển sang lao động kỹ thuật thì không phải cấp lại nữa. Quy định mới cũng cho phép cho chuyên gia vào làm việc ở nhiều địa phương chỉ cần 1 giấy phép của Bộ, còn ở nhiều địa điểm trong 1 tỉnh thì giao cho tỉnh và chỉ cấp phép 1 lần. Ngoài ra, hiện nay thủ tục hoàn toàn thực hiện online.

“Vừa qua, chúng tôi cũng chấn chỉnh một số địa phương trong việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài theo Nghị định 152, tinh thần chung là cởi mở, thông thoáng và nhanh gọn nhất. Nếu có vấn đề gì trong quá trình tổ chức, thực hiện thì Bộ sẽ lắng nghe và tích cực điều chỉnh cùng với các địa phương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách tiền lương cũng sẽ tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện theo nguyên tắc thị trường. Chính sách tiền lương hiện nay đã được thể chế đầy đủ trong Bộ luật Lao động và các quy định của Chính phủ; doanh nghiệp và người lao động được tự chủ trong thương lượng, thỏa thuận tiền lương gắn với công việc, điều kiện làm việc và ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa hơn, Bộ sẽ tiếp tục bám sát thực tiễn, lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động làm cơ sở để người lao động và người sử dụng lao động có thông tin thỏa thuận công việc, tiền lương.

Mặt khác, Bộ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, việc làm; Trong đó, tập trung hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi). Tiếp tục rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.