Kiểm soát tốt dịch bệnh: “visa” thu hút vốn FDI
Việc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp FDI vẫn tin vào triển vọng đầu tư tại Việt Nam....
Đã có những dấu hiệu cho thấy thu hút FDI “ngấm đòn” Covid-19 khi nhìn vào số liệu thu hút FDI 7 tháng năm 2021 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Sự “hoành hành” dữ dội của dịch Covid-19 được xem là nguyên nhân ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam.
"NGẤM" COVID-19, VỐN FDI ĐĂNG KÝ GIẢM
Cụ thể, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021 tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 2,6% (15,27 tỷ USD), trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ (14 tỷ USD).
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, xuống 45,8 điểm phần trăm (so với mức 73,9 điểm phần trăm của quý 1/2021). Dù chưa xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dịch.
Mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy thu hút FDI “ngấm” Covid-19 song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI là vốn FDI thực hiện vào Việt Nam tăng 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục phục hồi và duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam cho biết vẫn có tới 80% doanh nghiệp châu Âu duy trì hoặc gia tăng đầu tư vào Việt Nam bất chấp cú sốc Covid-19. Điều này cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực.
Cùng quan điểm, ông Kenneth Atkinson, thành viên Hội đồng Quản trị Hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao hành động nhanh chóng, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 của Việt Nam.
Và đây cũng là lý do mà Assa Abloy Việt Nam – một công ty chuyên về các sản phẩm thông minh vẫn quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. “Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh vừa qua tại Vĩnh Phúc, chúng tôi dự định chuyển một số cơ sở sản xuất tại nước ngoài về Vĩnh Phúc, đồng thời xây dựng nhà máy thứ 2 tại KCN Bá Thiện II để đáp ứng yêu cầu của thị trường”, đại diện Assa Abloy Việt Nam cho biết.
Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư lâu dài và gặt hái thành công ở Việt Nam. Ngay cả khi kinh tế thế giới và Việt Nam bị tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu hút FDI vẫn duy trì kết quả khả quan, phản ánh niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Luỹ kế đến 20/7/2021, đã có 349,9 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam. Đây được xem là kết quả khả quan trong bối cảnh hoạt động đầu tư thế giới rất trầm lắng.
ĐẨY MẠNH TIÊM CHỦNG, "LÓT Ổ" ĐÓN "ĐẠI BÀNG"
Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới.
Điều này cho thấy Việt Nam đứng trước những cơ hội vàng để hút vốn từ nhà đầu tư ngoại. Tuy vậy để hút vốn, theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần chủ động vượt qua các thách thức để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao. Đó là sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho bãi; sự thiếu hụt số lượng và cơ cấu nguồn lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu; sự gia tăng áp lực cạnh tranh… “Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc khống chế được dịch tốt sẽ là visa để chúng ta “lót ổ” đón “đại bàng” tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025”, ông Cung nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng Việt Nam cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
"Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, đặc biệt cần xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, nhìn từ thực tiễn những năm gần đây để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới", ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cho biết để hấp dẫn nhà đầu tư “ngoại”, ba yếu tố tiên quyết chính là nguồn nhân lực, đất đai và khoa học công nghệ.
“Vĩnh Phúc đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ… đặc biệt là hạ tầng phục vụ tốt cho cuộc sống của nhà đầu tư nước ngoài. Có lẽ điều này lý giải vì sao Vĩnh Phúc đã tạo được sự đột phá trong thu hút FDI trong thời gian qua”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hiện nay, thế giới đang khẩn trương thực hiện chương trình vaccine toàn cầu (Chương trình Covax) nhằm khôi phục nhanh nhất hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực thực hiện nhiều giải pháp kích thích và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất.
Do vậy, để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho nhân dân để đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Từ đó, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, du lịch trong nước và quốc tế.
“Đặc biệt, trong bối cảnh mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài, Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, đặc biệt cần xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, nhìn từ thực tiễn những năm gần đây để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”, ông Lâm nhấn mạnh.