Kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" cho dù còn nhiều thách thức
Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2021, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Trong đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng...
Tiếp tục phiên họp 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.
NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC NHƯNG DỰ BÁO CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo tóm tắt, trong đó nhấn mạnh dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; các hoạt động nông nghiệp có mức tăng khá so với năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. GDP 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý 1/2021 (tăng 5,92%).
Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%); cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ.
Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro. Thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.
Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2021, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Trong đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng.
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kiên trì kiềm chế, đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19. Đồng thời, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng Covid-19 và tiêm miễn phí cho toàn dân.
ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN CÁC GÓI HỖ TRỢ COVID-19
Tại phiên họp, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng với tính chất phức tạp hơn đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị.
Trong bối cảnh đó, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong báo cáo của Chính phủ, "GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng, tuy nhiên, đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn".
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch. Các gói hỗ trợ còn chậm triển khai, chưa đạt hiệu quả mong muốn và chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.
“Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không đáp ứng được điều kiện vay vốn dù mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Thường trực Ủy ban Kinh tế yêu cầu đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp đang bị phong tỏa hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tác động của tăng chi ngân sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và những rủi ro có thể xảy ra.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại phiên họp yêu cầu là rõ trách nhiễm với cá nhân, tổ chức liên quan tới việc Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng hệ thống, hủy lệnh giao dịch, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các nhà đầu tư và làm giảm niềm tin của thị trường.
Về quy hoạch các cấp, Thường trực Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ khẩn trương điều hành quyết liệt để hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025...