Kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh tăng hơn 49%
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hà Tĩnh trong 5 tháng qua ước đạt hơn 1.126 triệu USD, tăng 49,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thép, phôi thép, dăm gỗ, dệt và may mặc.
Theo thông tin từ Cục thống kê tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh này ước đạt gần 2.685 triệu USD tăng 13,86% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng tháng 5/2023, tổng kim ngạch ước đạt 607,95 triệu USD giảm 4,46% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng 33,90%.
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh ước đạt hơn 1.126 triệu USD, tăng 49,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng thép và phôi thép ước đạt hơn 1.000 triệu USD và là mặt hàng có kim ngạch tăng lớn nhất tăng 54,55% so với cùng kỳ năm 2022, riêng lượng xuất khẩu của Formosa ước đạt hơn 1.000 triệu USD, tăng gần 52% so với cùng kỳ.
Tiếp đến, là mặt hàng Dăm gỗ ước đạt 29,80 triệu USD tăng gần 22%, dệt và may mặc ước đạt 7,56 triệu USD tăng 2,72%. Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tiếp tục gặp khó khăn khi giảm sâu 29,40% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với kim ngạch nhập khẩu của Hà Tĩnh ước đạt gần 1.558 triệu USD, giảm 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 5 ước đạt hơn 380 triệu USD, giảm hơn 5% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 12,68% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu do Formosa giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất khi việc tiêu thụ đầu ra thép gặp khó khăn, nhưng giá trị nhập khẩu vẫn được cầm chừng và đạt khá hơn so với cùng tháng năm trước do giá nguyên liệu thép đang ở mức hợp lý.
CHỈ SỐ SẢN XUẤT NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẢM
Hoạt động sản xuất công nghiệp 5 tháng qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục gặp khó khăn, khi có 3/4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 có chỉ số giảm so với cùng kỳ. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số tăng so với cùng kỳ, tạo điểm sáng cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tuy nhiên sản lượng vẫn còn thấp do tổ máy số 1 nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I đến nay vẫn chưa khắc phục xong sự cố.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Hà Tĩnh 5 tháng đầu năm giảm 0,78% so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 14,78%, làm giảm 0,14 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,75% làm giảm 1,49 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,77%, làm tăng 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,33%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Hà Tĩnh đạt gần 23.550 tỷ đồng, tăng 19,34% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ đó là nhóm ô tô con giảm 17,29%, phương tiện đi lại khác giảm 36,63%, nguyên nhân chủ yếu do đây là các mặt hàng xa xỉ, nguồn vốn huy động hạn chế do lãi suất tín dụng đang ở mức cao cũng như lượng vốn đang mắc tại thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, 2 nhóm hàng này tỷ trọng doanh thu bán lẻ không cao, nên không ảnh hưởng quá lớn tới mức tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa mà chủ yếu phục thuộc vào các nhóm hàng thiết yếu tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao như: Lương thực, thực phẩm đạt gần 10.850 tỷ đồng, tăng 26,74%; xăng dầu các loại đạt 2.921,0 tỷ đồng, tăng 34,67%; đồ dùng, thiết bị gia đình ước đạt 2.422,6 tỷ đồng, tăng 27,57%; may mặc ước đạt 1.236,8 tỷ đồng, tăng 35,99%;.... Có thể thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
DOANH THU VẬN TẢI TĂNG HƠN 11%
Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 5 tháng qua của Hà Tĩnh ước đạt hơn 2.850 tỷ đồng tăng 25,21% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành lưu trú ước đạt gần 107 tỷ đồng, tăng 24,95%; lượt khách phục vụ 665,8 nghìn lượt, tăng 18,35%; ngày khách phục vụ 550.178 ngày, tăng 21,39% so với cùng kỳ năm trước; Ăn uống ước đạt 2.727,39 tỷ đồng, tăng 24,61%.
Du lịch lữ hành ước đạt 18,51 tỷ đồng tăng 351,31%, nguyên nhân khiến doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng cao so với cùng kỳ là do tháng 3 đến tháng 5 năm 2022, Hà Tĩnh bắt đầu bùng dịch với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, nên các hoạt động dịch vụ không thiết yếu gần như tạm ngừng.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu vận tải của Hà Tĩnh dự tính đạt hơn 2.764 tỷ đồng, tăng 11,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách ước đạt 404,25 tỷ đồng, tăng 45,42%; hàng hoá ước đạt 1.811,08 tỷ đồng, tăng 11,13%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 472,99 tỷ đồng, giảm 16,25% so với cùng kỳ năm trước.
Sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt kinh tế Hà Tĩnh đang trên đà tăng trưởng, hạ tầng giao thông phát triển thuận lợi, việc hoàn thiện, mở rộng các tuyến Quốc lộ trong tỉnh, các tuyến giao thông đường bộ nội tỉnh, càng giúp cho hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa thuận lợi hơn. Đó cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải lưu thông.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 5 tháng đầu năm của Hà Tĩnh đạt thấp, chỉ hơn 1.600 tỷ đồng, giảm 13,63% so với cùng kỳ năm 2022 bằng 26,79% so với kế hoạch vốn năm 2023. Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thành lập 3 tổ công tác tại một số sở, ban, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vồn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn năm 2023.