14:07 29/01/2008

Kinh tế Mỹ suy thoái, châu Á không quá lo

Kiều Oanh

Có nhiều lý do để tin rằng, kinh tế châu Á sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng từ một cuộc suy thoái ở Mỹ

Chứng khoán châu Á thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều từ các thông tin về tình hình kinh tế Mỹ.
Chứng khoán châu Á thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều từ các thông tin về tình hình kinh tế Mỹ.
Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á cách đây không lâu vẫn tin tưởng rằng, kinh tế châu Á có khả năng “miễn nhiễm” trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Hai phiên điều chỉnh mạnh đầu tuần trước đã khiến chỉ số MSCI của các thị trường đang nổi lên ở khu vực châu Á sụt giảm mạnh, đưa chỉ số này xuống mức 25% thấp hơn so với mốc đỉnh điểm hồi tháng 10 năm ngoái. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư chứng khoán châu Á đã buộc phải nghĩ lại.

Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là các nền kinh tế châu Á sẽ “lao” theo kinh tế Mỹ một khi nền kinh tế lớn nhất thế giới này rơi vào suy thoái...

Bi quan cũng có…

Trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái, hàng xuất khẩu của châu Á sang Mỹ chắc chắn sẽ giảm, và như thế, lợi nhuận của các công ty cũng giảm theo. Ngoài ảnh hưởng đến xuất khẩu, những rắc rối mà kinh tế Mỹ phải đương đầu cũng có thể ảnh hưởng đến châu Á thông qua nhiều kênh tài chính khác nhau.

Mức độ rủi ro của các ngân hàng châu Á trước cuộc khủng hoảng tín dụng “dưới chuẩn” ở Mỹ được cho là nhỏ hơn so với những rủi ro mà các ngân hàng Mỹ hay châu Âu phải đối mặt. Nhưng tuần trước, cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc đã mất giá mạnh trước những tin đồn rằng, họ sẽ phải gánh chịu những khoản thâm hụt tài sản còn lớn hơn nhiều do đầu tư vào các ngân hàng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ.

Và trong trường hợp thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm khi giới đầu tư toàn cầu tháo chạy khỏi những tài sản có độ rủi ro cao, điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong khu vực.

Một số nền kinh tế châu Á có độ rủi ro cao hơn so với những “láng giềng” khác. Singapore, Hồng Kông và Malaysia có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tương đương với ít nhất 20% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 8% và ở Ấn Độ là 2%.

Hiện đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng ngại. Xuất khẩu của Singapore sang Mỹ đã sụt giảm 11% trong năm ngoái, trong khi mức sụt giảm này ở Malaysia là 16%. Nhưng nhờ xuất khẩu sang một số nền kinh tế đang nổi lên và sang EU tăng, do đó, kim ngạch xuất khẩu của hai nền kinh tế này vẫn tăng 6%. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hai nước hồi đầu năm. Đáng ngại nữa là nhu cầu từ thị trường châu Âu cũng đã bắt đầu chậm lại.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ cũng sụt xuống còn có 1% trong tháng 12 năm ngoái, so với mức 20% vào cuối năm 2006.Tuy nhiên, sự sụt giảm này dường như không có nhiều ảnh hưởng đối với tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 12 vừa qua, kinh tế nước này tăng trưởng 11,2% so với mức 11,5% trong tháng 11.

Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vẫn tăng trưởng ở mức 8 – 9% trong trường hợp tăng trưởng xuất khẩu của nước này bằng 0%. Vào năm 2001 khi kinh tế Mỹ suy thoái, GDP của Trung Quốc cũng chẳng “chịu” tăng chậm lại. Ngược lại, kinh tế Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Malaysia đã trải qua một giai đoạn suy thoái toàn diện.

Sự suy thoái của kinh tế Mỹ lần này, nếu có xảy ra, có vẻ như sẽ sâu sắc hơn so với năm 2001 và kinh tế châu Á lúc này đã hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới. Do đó, những người có quan điểm thực tế cho rằng, các nền kinh tế này có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Lạc quan vẫn nhiều hơn…

Theo các chuyên gia, các nước châu Á lần này có thể sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn từ kinh tế Mỹ so với những lần suy thoái trước của “đầu tàu” này.

Lý do chính để các nền kinh tế châu Á duy trì sự lạc quan là nhu cầu trong nước, bao gồm tiêu dùng và đầu tư, có thể sẽ vẫn duy trì ở mức cao Chính phủ các nước đã trở nên linh hoạt hơn. Năm ngoái, bất chấp sự suy giảm kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, phần lớn các nền kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng với tốc độ cao hơn năm trước nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh.

Một nhà kinh tế học thuộc ngân hàng HSBC có tên Robert Prior-Wandesforde cho rằng, kinh tế châu Á hiện nay đã không còn phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế Mỹ. Hãy lấy Malaysia làm ví dụ. Xuất khẩu của nước này sang Mỹ giảm mạnh nhưng tăng trưởng GDP vẫn tăng mạnh từ mức 5,7% vào cuối năm 2006 lên mức 6,7% vào quý 3 năm ngoái.

Đối lập với quan điểm phổ biến cho rằng giai đoạn “ọp ẹp” của kinh tế châu Á năm 2001 hoàn toàn là do sụt giảm xuất khẩu, một chuyên gia của Barclays Capital có tên Peter Redward lập luận rằng, suy giảm đầu tư mới là nguyên nhân chính. Các doanh nghiệp khi đó nợ nần quá nhiều trong khi công suất hoạt động của các nhà máyở mức thấp, nhất lầ trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử.

Nhưng tình hình của các doanh nghiệp hiện nay đã khả quan hơn nhiều. Công suất hoạt động của các nhà máy đã được nâng cao. Bên cạnh đó, trừ Trung Quốc, tỷ lệ đầu tư so với GDP ở các nước hiện thấp so với trước đây. Mặt khác, bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp đã mạnh hơn, trong khi lãi suất thực tế ở mức thấp. Do đó, khả năng các doanh nghiệp sẽ cắt giảm đầu tư như năm 2001 là không hề cao.

Những chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của các nước Đông Á hiện cũng lành mạnh hơn nhiều. Dự trữ ngoại hối lớn khiến những quốc gia này ít nhạy cảm hơn trước những cú sốc bên ngoài. Ngân sách luôn ở mức thặng dư hoặc gần như cân bằng, giúp các nhà hoạch định chính sách có khả năng lớn hơn trong việc thực hiện kích thích tài chính để hỗ trợ tăng trưởng.

Do đó, thậm chí cả khi xuất khẩu của châu Á rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế Mỹ, nền kinh tế các nước châu Á vẫn ít bị tổn thương hơn trước đây.

Standard Chartered dự báo rằng, các nền kinh tế châu Á đang nổi lên sẽ tăng trưởng bình quân 6,4% trong năm 2008 này, giảm so với mức 7,8% trong năm ngoái. Năm 2001, tăng trường của các nền kinh tế này giảm tới 3% xuống còn 4,2%.

Thị trường chứng khoán các nước châu Á hiện đang hạ nhiệt và trải qua không ít phiên “tụt dốc” vì giới đầu tư tin rằng tăng trưởng của châu Á và lợi nhuận của nhiều công ty có thể sẽ phải chịu tác động xấu từ kinh tế Mỹ. Nhưng dường như thị trường đang quá phóng đại tác động tiêu cực này, vì khả năng “miễn nhiễm” của châu Á không phải là huyền thoại.

(Theo The Economist)