11:29 22/12/2010

Kinh tế Trung Quốc bao giờ “soán ngôi” Mỹ?

Diệp Anh

Có rất nhiều dự báo khác nhau về sự "soán ngôi" này, sớm nhất là 2 năm nữa, còn xa thì tới tận năm 2027

Trung Quốc được dự đoán sẽ sớm vượt qua Mỹ.
Trung Quốc được dự đoán sẽ sớm vượt qua Mỹ.
Kể từ sau khi Trung Quốc bất ngờ vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hàng loạt học giả, chuyên gia nghiên cứu quốc tế đã đua nhau đưa ra dự đoán về khả năng Trung Quốc "qua mặt" Mỹ, với thời hạn ngày càng được rút ngắn.

Tờ The Economist cho biết, theo báo cáo hồi tháng 11 của tổ chức Conference Board, một tổ chức kinh tế phi lợi nhuận có uy tín, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vòng hai năm nữa.

Báo cáo có thể làm nhiều người giật mình, vì nếu xét về GDP, Trung Quốc còn thua Mỹ một khoảng rất xa. Hiện nay GDP của Trung Quốc gần đạt 5.000 tỷ USD, trong khi tại Mỹ, con số này là 15.000 tỷ USD. Tuy nhiên, thực ra GDP chỉ là một trong số những công cụ để đo sức mạnh của một nền kinh tế.

Trong báo cáo của mình, Conference Board cho biết họ tính toán bằng một công cụ khác là sức mua tương đương (PPP). PPP so sánh các nền kinh tế thông qua sức mua, được điều chỉnh dựa trên giá cả tại từng nơi. Đây là thước đo thường được các chuyên gia kinh tế hàng đầu sử dụng khi họ muốn nhìn nền kinh tế trên một khía cạnh khác.

Tính toán PPP được thực hiện trên giả định rằng các loại sản phẩm hàng hóa giống hệt nhau sẽ có mức giá chung ở các thị trường khác nhau. Trên thực tế, điều này là không có thực. Ví dụ một chuyến taxi tại Bắc Kinh rẻ hơn ở London tới một phần mười, dù cũng là một loại dịch vụ như nhau.

Nếu tính trên giả định này, sức mua của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2012 và đến 2020, Trung Quốc chiếm 24,1% sức mua sản lượng toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 14,8%.

Còn nếu quay lại với cách tính toán bằng GDP, Trung Quốc sẽ mất hơn một thập kỷ mới đuổi kịp Mỹ, Conference Board cho biết, với điều kiện quốc gia châu Á vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao như hiện nay.

Theo tờ The Economist, thời hạn mà Conference Board đưa ra là sớm nhất, trong khi hầu hết các dự báo khác, căn cứ vào GDP, đều ít nhất cũng phải chục năm nữa.

Cũng trong tháng 11, ngân hàng Standard Chartered của Anh dự đoán, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2020 và tới năm 2030, kinh tế Trung Quốc lớn gấp đôi Mỹ. GDP của Mỹ trong quý 3 năm nay thực tế vẫn thấp hơn trong tháng 12/2007, còn Trung Quốc đã tăng 28% so với cùng kỳ.

Theo Standard Chartered, hiện thế giới đang ở trong một “siêu chu kỳ” của sự tăng trưởng cao và kéo dài. Sẽ có rất nhiều thay đổi đáng kể trong vòng 20 năm tới. Kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng gấp đôi so với Mỹ tính đến năm 2030 và chiếm 24% sản lượng toàn cầu, thay vì 9% như hiện nay.

Báo cáo cho rằng, khối lượng kinh tế Trung Quốc và tài sản của xã hội nước này tăng lên, phần lớn là nhờ sự gia tăng tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và USD. Theo báo cáo này, những thay đổi trong 20 năm sắp tới là to lớn. Tới năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 24% tổng lượng GDP của thế giới, so với con số 9% hiện nay.

Standard Chartered Plc cũng nhận định, hiện nay đang diễn ra sự phân bố lại cán cân lực lượng mang tính chiến lược trong nền kinh tế thế giới. Các quốc gia có nền kinh tế mới nổi đứng đầu là nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) sẽ vượt lên, giành vị trí dẫn đầu từ tay các nước công nghiệp phương Tây.

Trước Standard Chartered, trong tháng 1/2010, công ty PriceWaterhouseCoopers (PWC) cũng đã đưa ra nhận định, vào năm 2030, 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể là Trung Quốc, sau đó là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Nga, Đức, Mexico, Pháp và Anh.

“Trung Quốc có thể làm bá chủ thế giới về kinh tế vào năm 2020 và khả năng vượt xa Mỹ vào năm 2030”, John Hawksworth, trưởng nhóm các nhà kinh tế vĩ mô tại PWC cho biết.

Xa hơn hết thảy, hồi tháng 11/2009, Jim ONeill, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2027, sớm hơn dự đoán ban đầu được đưa vào năm 2003 cũng của ngân hàng này những 14 năm (vào năm 2041).

Tờ The Economist cho rằng, nếu GDP thực tế của Trung Quốc và Mỹ đều duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình của 10 năm qua, lần lượt là 10,5% và 1,7%, trong bối cảnh các điều kiện khác không thay đổi, thì GDP của Trung Quốc phải đến năm 2022 mới vượt được Mỹ.

Tuy nhiên, đôi khi tương lai có thể thay đổi. Chẳng hạn như vào giữa những năm 1980, nhiều ý kiến dự đoán, Nhật Bản sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng thực tế không như vậy. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể bị chậm lại trong vài năm tới do dân số trong độ tuổi lao động giảm bớt và tăng trưởng năng suất lao động giảm.

Thêm vào đó, GDP tính theo USD của Trung Quốc và Mỹ không chỉ dựa vào tỷ lệ tăng trưởng thực tế mà còn dựa vào tỷ lệ lạm phát và tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD. Trong suốt 10 năm qua, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Tru ng Quốc là 3,8% so với mức 2,2% của Mỹ. Và kể từ khi Trung Quốc neo tỷ giá vào USD năm 2005, con số này tăng lên 4,2%.

Theo The Economist, nếu trong 10 năm tới, tăng trưởng GDP thực tế hàng năm của Trung Quốc là 7,75% và Mỹ là 2,5%, với tỷ lệ lạm phát trung bình lần lượt là 4% và 1,5%, cùng với Nhân dân tệ tăng 3% mỗi năm, thì tới năm 2019, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.

Còn nếu GDP của Trung Quốc chỉ đạt 5% thì phải chờ tới năm 2022, nền kinh tế châu Á này mới trở thành số 1 toàn cầu. Tất nhiên, người Mỹ sẽ vẫn giàu hơn, với GDP bình quân đầu người lớn gấp 4 lần so với ở Trung Quốc.