13:02 15/07/2024

Kinh tế Trung Quốc đuối sức rõ rệt vì bất động sản và tiêu dùng đều ảm đạm

Bình Minh

Bức tranh u ám của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới làm gia tăng kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ phải triển khai thêm các biện pháp kích cầu...

Khủng hoảng bất động sản tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế nước này - Ảnh: Reuters.
Khủng hoảng bất động sản tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế nước này - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn nhiều so với dự báo trong quý 2 năm nay, khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và công ăn việc làm bấp bênh khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Bức tranh u ám của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới làm gia tăng kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ phải triển khai thêm các biện pháp kích cầu.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (15/7) cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 4,7% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ quý 1/2023 và thấp hơn mức dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Ngoài ra, đây cũng là một sự giảm tốc mạnh nếu so sánh với mức tăng 5,3% đạt được trong quý 1/2024.

“Nhìn chung, số liệu GDP gây thất vọng cho thấy con đường đi tới mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm vẫn còn nhiều thách thức”, nhà kinh tế trưởng Lynn Song của ngân hàng ING nhận định với hãng tin Reuters.

“Hiệu ứng tiêu cực đối với tài sản của các hộ gia đình từ sự sụt giảm của thị trường bất động sản và chứng khoán, cũng như tốc độ tăng lương thấp trong bối cảnh nhiều lĩnh vực ngành nghề cắt giảm chi phí, đang kéo lùi tiêu dùng. Các hộ gia đình bây giờ đang hạn chế mua những món đồ đắt tiền, và thay vào đó tập trung vào các nhu cầu cơ bản như ăn uống”, ông Song nói thêm.

NỀN KINH TẾ PHỤC HỒI KHÔNG ĐỀU

Báo cáo GDP mới nhất được công bố trong bối cảnh Bắc Kinh được dự báo sẽ có những nỗ lực mới nhằm vực dậy niềm tin trong nền kinh tế tại Hội nghị Trung ương 3 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện khai mạc vào ngày thứ Hai. Những đòi hỏi có tính xung đột như vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa cắt giảm nợ khiến cho các kế hoạch như vậy trở nên khó khả thi hơn.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm nay - một mục tiêu mà nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là tham vọng và có thể đòi hỏi thêm nhiều biện pháp kích cầu. Xét trên cơ sở tháng, GDP của Trung Quốc tăng 0,7% trong quý 2 so với quý 1, sau khi tăng 1,5% trong quý 1 so với quý 4/2023.

Để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng ảm đạm và cuộc khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là chưa đủ để vực dậy tăng trưởng.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, thời tiết xấu là một nguyên nhân khiến tăng trưởng suy yếu trong quý 2, đồng thời nhận định nền kinh tế đối mặt với những yếu tố bất định bên ngoài và khó khăn trong nước gia tăng trong nửa sau của năm nay.

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc hồi phục không đều: sản lượng công nghiệp tăng trưởng mạnh nhưng tiêu dùng yếu. Tình trạng này làm gia tăng áp lực giảm phát trong nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc kéo dài và các chính quyền địa phương nợ chồng chất. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mang lại động lực nhất định, nhưng đi kèm với đó là mối đe dọa tằ căng thẳng thương mại leo thang.

Phản ánh những xu hướng này, các số liệu khác được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/7 cho thấy tăng trưởng sản lượng của các nhà máy trong tháng 6 mạnh hơn kỳ vọng dù giảm tốc so với tháng 5, trong khi doanh thu bán lẻ không đạt dự báo.

Trong đó, sản lượng công nghiệp tháng 6 của Trung Quốc tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 5,6% trong tháng và so với mức dự báo tăng 5% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Doanh thu bán lẻ tăng 2%, giảm tốc mạnh so với mức tăng 3,7% của tháng 5 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo là tăng 3,3%.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tuần trước cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhập khẩu giảm 2,3%.

Ngoài ra, thống kê công bố tuần trước cũng cho thấy rủi ro giảm phát vẫn tiếp tục đeo bám Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước (màu xanh) và so với quý trước (màu vàng) - Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Reuters.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước (màu xanh) và so với quý trước (màu vàng) - Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Reuters.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 0,3% ghi nhận trong tháng 5 và là mức tăng thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây. Mức tăng này cũng thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ít hơn mức giảm 1,4% ghi nhận trong tháng 5 và bằng với mức dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters.

MỐI LO VỀ BẤT ĐỘNG SẢN VÀ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG

“Trong số các số liệu hàng tháng công bố ngày hôm nay, nổi bât nhất là dữ liệu bán lẻ yếu”, chiến lược gia Xing Zhaopeng của ngân hàng ANZ nhận định. “Tiêu dùng của các hộ gia đình vẫn còn yếu, trong bối cảnh các nhà tuyển dụng giảm lương và tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng cao. Các hộ gia đình sẽ tiếp tục thận trọng với chi tiêu trong thời gian tới”.

Tình hình thị trường bất động sản Trung Quốc thậm chí còn ảm đạm hơn. Giá nhà mới ở nước này giảm 4,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất 9 năm - xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2015. Trước đó, giá nhà mới ở Trung Quốc ghi nhận mức giảm 3,9% trong tháng 5.

Đầu tư bất động sản giảm 10,1% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà tính theo diện tích mặt sàn giảm 19%.

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Phan Công Thắng cam kết duy trì lập trường chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong một cuộc khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự báo PBOC sẽ giảm lãi suất cơ bản của các khoản vay kỳ hạn 1 năm với mức giảm 0,1 điểm phần trăm, đồng thời giảm 0,25 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong quý 3 năm nay.

Ngân hàng Citigroup dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tung một loạt các biện pháp kích cầu bất động sản mới sau một cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng 7. Hồi tháng 5, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương mua bớt lượng nhà tồn trên thị trường và PBOC thiết lập một quỹ 300 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 40 tỷ USD, để cấp vốn vay cho việc chuyển đổi các dự án được mua lại thành nhà ở xã hội.

Tăng trưởng tín dụng yếu đang là một mối lo khác của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Số liệu do PBOC công bố hôm thứ Sáu cho thấy tăng trưởng cung tiền và vốn tín dụng mới trong nửa đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lượng vốn vay cấp mới cho các hộ gia đình trong 6 tháng đầu năm là 1,46 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 200 tỷ USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức 2,8 nghìn tỷ USD cùng kỳ 2023. Lượng vốn vay cấp mới cho doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là 11 nghìn tỷ nhân dân tệ, giảm nhẹ so với mức 12,81 nghìn tỷ nhân dân tệ cùng kỳ 2023.

“Dữ liệu về cung tiền và tín dụng của tháng 6 cho thấy nhu cầu tín dụng còn yếu. Truyền thông chính sách gần đây cho thấy PBOC tiếp tục tập trung vào việc tăng cường truyền dẫn ảnh hưởng của chính sách tiền tệ và giảm bớt tầm quan trọng của tổng tăng trưởng tín dụng. Trong thời gian tới, tăng trưởng vốn vay nhân dân tệ và cung tiền M2 có thể tiếp tục giảm tốc”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.