18:40 05/04/2024

Kinh tế Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng tích cực

Vương Vệ Á (*)

Là nền kinh tế có độ mở cao, nhiều ưu thế cạnh tranh, Việt Nam đang là thị trường được đánh giá có triển vọng kinh tế tích cực. Dữ liệu kinh tế những tháng đầu năm càng cho thấy rõ điều này...

Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Trung Quốc.
Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Trung Quốc.

Là một trong những nhà đầu tư có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc tại Việt Nam và hơn 30 năm trong ngành tài chính và đầu tư, tôi nhận thấy nền kinh tế Việt Nam thực sự là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Trong hơn một thập kỷ vừa qua, rất nhiều quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế đã dành nhiều lời khen, sự đánh giá tích cực cho kinh tế Việt Nam. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ngày càng thể hiện sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Singapore.

Việt Nam luôn được coi là một trong quốc gia với độ mở nền kinh tế khá lớn khi tham gia vào hầu hết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, giữ vững quan hệ ngoại giao ổn định với nhiều nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng luôn tận dụng tốt mọi ưu thế về môi trường ổn định, địa lý, nguồn nhân lực trẻ và dồi dào cùng các chính sách ưu đãi cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.

CÁC CHỈ SỐ KINH TẾ ĐANG TỐT LÊN

Năm 2023, lạm phát thế giới (tính chung) tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp cũng gia tăng, tiêu dùng và sản xuất công nghiệp thương mại giảm mạnh, Việt Nam vì thế khó có thể không chịu ảnh hưởng. Khi kinh tế nhiều nước trong Liên minh châu Âu hay Nhật Bản giảm tốc thì sự phục hồi  kinh tế của Việt Nam là một điều đáng mừng. Từ hai quý cuối năm 2023, nhiều chỉ số quan trọng của Việt Nam có sự đảo chiều.

Cụ thể, chỉ số PMI tăng dần nhờ đơn hàng của nhiều nhóm ngành quay trở lại; vốn FDI tăng kỷ lục trong giai đoạn 2018-2023 khi đạt mức tăng 32,1% so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp (2,3%) và tỷ lệ lạm phát (3,25%) vẫn duy trì trong biên độ kiểm soát. Đó là những chỉ số chứng minh cho tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Ông Vương Vệ Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán CSI, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kirin Capital.
Ông Vương Vệ Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán CSI, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kirin Capital.

Điều này đã được chứng minh ngay từ hai tháng đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước với mức xuất siêu đạt 4,72 tỷ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vẫn duy trì ưu thế như điện tử - linh kiện; dệt may; giày dép với lần lượt là 9,5 tỷ USD; 5,2 tỷ USD và 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (thế mạnh của Việt Nam) đạt đến 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng hơn 1.031 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Du lịch đón 3 triệu lượt khách quốc tế…

Tôi đánh giá cao các chính sách hỗ trợ phát triển của Việt Nam khi tập trung giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy kinh tế. Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chứng kiến sự giải ngân mạnh mẽ của nhiều địa phương như Long An với 1.398 tỷ đồng, đạt 18,56% kế hoạch; tiếp đó là TP. Hồ Chí Minh với 7.289 tỷ, đạt 9,2% kế hoạch; Hà Nội với 6.306 tỷ đồng, đạt 8,1% kế hoạch… Đây là nguồn trợ lực lớn để thúc đẩy gia tăng sản xuất, kết nối cung cầu tiêu dùng, từ đó phục hồi kinh tế cả nước.

Thống kê về tổng vốn FDI cho thấy xu thế tăng trưởng rõ rệt. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái với số vốn đạt 3,6 tỷ USD; đã có 2,8 tỷ USD được giải ngân cho các dự án đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tăng trưởng là 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Sẽ không bất ngờ khi hết quý 1 năm nay, con số về vốn FDI sẽ thiết lập thêm những thành tựu mới. Đây là chỉ báo phản ánh rõ nét sức hấp dẫn của Việt Nam đối với cộng đồng đầu tư quốc tế.

VIỆT NAM SẼ HÚT VỐN NƯỚC NGOÀI

Đầu tư và kết nối đầu tư vào Việt Nam ngày càng lâu, tôi càng nhận thấy rằng, quốc gia này sẽ ngày càng ổn định và hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế ngay từ đầu năm, bắt nguồn từ những trụ cột chính là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy vững tâm hơn.

Đặc biệt, sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ cũng như ý chí vươn lên của doanh nghiệp nội địa đã và đang trở thành yếu tố quyết định để Việt Nam trở nên đầy hứa hẹn và là điểm đến lý tưởng của quá trình dịch chuyển sản xuất quy mô toàn cầu.

Là một người làm việc trong ngành tài chính – đầu tư, tôi luôn quan sát kỹ lưỡng các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế Việt Nam và nhận thấy, dòng vốn đầu tư luôn là một trong động lực tăng trưởng cốt lõi. Năm 2024, thế giới  vẫn đối mặt với nhiều biến động khó lường cần sự phối hợp đa bên để dòng vốn này được hấp thụ tối đa vào nền kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất chủ động và năng động. Đối với mọi nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân luôn đóng vai trò quan trọng. Chính phủ điều tiết phù hợp, doanh nghiệp phản hồi và phối hợp đồng bộ sẽ tạo nên hiệu quả lớn. Ở Trung Quốc cũng vậy.

Tôi kỳ vọng lớn cả hai yếu tố này sẽ trở thành trợ lực lớn để Việt Nam khắc phục những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông, thị trường tài chính... từ quý 2 năm 2024. Khi những hạn chế được khắc phục, các rủi ro sẽ giảm bớt, niềm tin nhà đầu tư và người tiêu dùng được củng cố.

Năm 2024, kinh tế thế giới được kỳ vọng không diễn ra suy thoái hoặc có mức tăng trưởng nhẹ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và cả Trung Quốc. Nhưng mọi biến số đều có thể xảy ra khi những xung đột về địa chính trị, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên sự khó lường.

Để đối mặt với những biến số đó, tôi cho rằng Việt Nam luôn cần chuẩn bị “nhiều kịch bản tăng trưởng”. Các kịch bản này sẽ thể hiện rõ ràng nhất khả năng thích nghi cũng như ứng phó của Việt Nam, là cách để tạo dựng sự tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng gia tăng nội lực kinh tế trong nước bằng cách kích thích tiêu dùng nội địa; mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng tiềm năng trong xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản; đẩy mạnh hợp tác trong các FTA; nâng cao năng suất và chất lượng nguồn lao động; tập trung phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ; kinh tế số và đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh, xử lý nghiêm những vi phạm.

Tôi cũng rất ấn tượng với tiêu chí phát triển kinh tế bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi. Đó là sự minh bạch, rõ ràng cùng cam kết mạnh mẽ về sự đồng hành giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Đây sẽ là những yếu tố tích cực để thu hút đầu tư và tạo nên những thành công ngoài sự mong đợi...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2024 phát hành ngày 1/4/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng tích cực - Ảnh 1